Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh Hoàng Đức Chính nhấn mạnh, sáng kiến phối hợp tổ chức Hội thảo này là thể hiện thiện chí cà mong muốn phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa Bộ Công an và các đối tác thuộc EU trong công tác phối hợp ngăn chặn di cư bất hợp pháp và nhận trở lại công dân, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Theo ông Chính, Hội thảo sẽ là cơ hội để các bên cùng chia sẻ kinh nghiệm trong vấn đề tiếp nhận người trở về cũng như đề ra các biện pháp và cách thức nâng cao hiệu quả của cơ chế phối hợp trong việc giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Hervé Bolot cho biết, Hội thảo là kết quả của đối thoại từ nhiều tháng qua giữa Bộ Công an Việt Nam và nhóm công tác “nhập cư” của EU trong khuôn khổ chương trình tổng thể “Master Plan” về quan hệ giữa EU và Việt Nam. Vì vậy, các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ cùng xem xét tình hình nhập cư trái phép giữa Việt Nam và các nước khác thuộc EU, trao đổi thông tin để cùng đấu tranh hiệu quả chống các mạng lưới tội phạm liên quan đến nhập cư, di cư trái phép và tìm những điều kiện tốt nhất để người di cư trái phép có thể hồi hương.
Theo ông Bolot, nhập cư trái phép là quan ngại lớn nhất của EU và Việt Nam vì đây là một hình thức tội phạm xuyên quốc gia, có tổ chức mà cộng đồng quốc tế cần đấu tranh xóa bỏ như các hình thức tội phạm có tổ chức khác có mạng lưới vượt ra khỏi biên giới các nước. Những mạng lưới tội phạm này được thiết lập có kết cấu chặt chẽ và hoạt động xuyên quốc gia để tổ chức việc đưa người nhập cư trái phép từ nước này sang nước khác. Trong khi những người di cư trái phép là tự nguyên nhưng họ luôn bị đối xử hết sức vô nhận đạo và tồi tệ bởi các đối tượng tội phạm đã tổ chức những chuyến ra đi bất hợp pháp đó, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em thường bị đưa vào các đường dây mại dâm quốc tế. Do đó, ông Bolot khẳng định, cuộc chiến chống các tội phạm này là nhiệm vụ chung tất cả các quốc gia, mà trước tiên đòi hỏi phải có sự hợp tác quốc yế của các tác nhân, đặc biệt là đội ngũ công an, nhân viên các cơ quan xuất nhập cảnh, biên phòng cũng như các cơ quan lãnh sự.
Hiện ở châu Âu, sự hợp tác trong lĩnh vực này được thực hiện dưới hình thức trao đổi thông tin qua các kênh cơ quan (interpol, europol) hoặc thông qua các hội nghị quốc tế hay triển khai các nghị định thư hợp tác hoặc thông các đầu mối liên lạc. Riêng đối với Việt Nam, Đại sứ Bolot cho biết, sự hợp tác của EU về vấn đề này cũng được thực hiện bằng cách trao đổi thông tin một cách tích cực trong khuôn khổ các thỏa thuận hợp tác song phương hoặc dưới hình thức các hội nghị, hội thảo, các khóa thực tập và trao đổi đoàn cấp cao.
Do vậy, Đại sứ Pháp Hervé Bolot và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh Hoàng Đức Chính đều tin tưởng hội thảo sẽ là sự kiện quan trọng trong quan hệ hợp tác về vấn đề di cư bất hợp pháp và nhận trở lại công dân giữa Việt Nam và EU, tăng cường hơn nữa sự hợp tác quốc tế trong vấn đề nhạy cảm và cấp bách này.
Bên lề hội thảo, Đại sứ Pháp Bolot cho biết, việc bàn về các biện pháp ngăn chặn và giải quyết nạn di cư trái phép không đồng nghĩa với việc các quốc gia EU thắt chặt các qui định cấp visa cho những người nhập cư hợp pháp. Ông khẳng định, nếu bất kỳ ai có đầy đủ điều kiện để được nhập cư vào các quốc gia EU thì đều có thể được tạo điều kiện. Thực tế hiện nay, số visa được cấp cho công dân các nước ngoài khu vực để nhập cư vào các quốc gia EU vẫn không ngừng tăng. Còn về việc áp dụng qui định thử DNA đối với những người muốn đoàn tụ gia đình tại Pháp, ông Bolot cho biết hiện dự luật này đang đệ trình để Quốc hội Pháp xem xét.
Ngày 14/6/2005, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Đề án tổng thể quan hệ Việt Nam – EU và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển quan hệ Việt Nam – EU đến năm 2010 và định hướng tới năm 2015. Trong đó, vấn đề hợp tác trong lĩnh vực di cư trái phép và nhận trở lại công dân được xác định là một trong những nội dung hợp tác chính giữa Bộ Công an Việt Nam và các đối tác thuộc EU./.
Hương Giang