Phổ biến pháp luật trong cộng đồng nông thôn miền núi phía Bắc: Từ phiên chợ pháp luật đến sân khấu của nhà nông

Những năm qua, các cấp Hội NDVN đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả trong việc tuyên truyền, vận động bà con dân tộc thực hiện pháp luật, rất cần được nhân rộng.

*Từ những “phiên chợ pháp luật”

Khu vực miền núi phía Bắc gồm 9 tỉnh giáp biên có địa hình đồi núi sâu rộng, hiểm trở, dân cư phần đông là bà con dân tộc thiểu số. Nhìn chung điều kiện kinh tế, trình độ dân trí ở khu vực này chưa cao nên việc truyền tải pháp luật đến cộng đồng dân cư gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Những năm qua, chúng ta đã rất nỗ lực trong việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật thông qua công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trợ giúp pháp lý, câu lạc bộ pháp luật, tủ sách pháp luật.v.v. để đưa pháp luật đến với đồng bào dân tộc, nâng trình độ và ý thức chấp hành pháp luật của bà con. Mặc dù vậy khó khăn vẫn còn ở phía trước.

Người vùng cao quanh năm đi làm rừng, làm rẫy xa, vì vậy để tập trung được đầy đủ bà con nghe phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý là việc không đơn giản. Chỉ những buổi chợ phiên mới là nơi nhân dân tập trung đông đủ. Phiên chợ không chỉ là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa mà còn là một sinh hoạt văn hóa của bà con dân tộc; họ đi chợ để tìm bạn, tâm sự, giao lưu. Nắm được đặc thù riêng về địa lý, phong tục tập quán như vậy nên một số tỉnh như Hà Giang, Lào Cai đã tổ chức tuyên truyền pháp luật, tổ chức xét xử lưu động và trợ giúp pháp lý lưu động vào ngày phiên chợ thu hút rất đông người tham dự. Tại đây, các khẩu hiệu vận động bà con sống làm việc theo pháp luật, nghiêm chỉnh thực hiện tinh thần Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật Hôn nhân gia đình... được kẻ vẽ, trưng bày ở khu vực trung tâm chợ để mọi người qua lại đều đọc thấy. Những kiến thức pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống bà con được truyền tải trên loa phóng thanh, các tờ rơi mang nội dung pháp luật cũng được phát đến tận tay người dân trong các phiên chợ như vậy.

Rất nhiều ý kiến đề nghị cần nhân rộng và phát huy hơn nữa hiệu quả của việc tuyên truyền pháp luật tại chợ phiên. Việc làm này vừa tiện ích lại vừa thể hiện được bản sắc văn hóa riêng của vùng núi phía Bắc. Thực tiễn cho thấy, qua những “phiên chợ pháp luật” như vậy, ý thức pháp luật của bà con dân tộc được nâng cao, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội giảm.    

 

*Đến sân khấu của nhà nông!

Theo báo cáo của Trung ương HNDVN, trong các hình thức tuyên truyền pháp luật thì sân khấu hóa là một hình thức có ảnh hưởng sâu rộng và có sức hấp dẫn cao nên được đông đảo nhân dân tham gia nhất. Bắt đầu từ năm 2007, HNDVN tổ chức cuộc thi nông dân với pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa. Điều đặc biệt ở sân khấu này là các tiểu phẩm đều mang nội dung pháp luật, kịch bản, đạo diễn và diễn viên đều là con nhà nông chính hiệu. Cũng từ sân khấu nhỏ đó, những chuyện muôn thuở của cuộc sống như “yêu” ở lứa tuổi nào thì không vi phạm pháp luật hình sự đến những vấn đề mang tính thời cuộc như người nông dân và nông nghiệp Việt Nam phải đổi mới thế nào để đáp ứng yêu cầu hội nhập.v.v. đã truyền tải đến với bà con nông dân một cách sinh động, cụ thể, hấp dẫn, dễ tiếp thu. Những cuộc thi tiểu phẩm sân khấu ở các địa phương Hà Tĩnh, Bắc Giang, Hải Dương... thu hút hàng vạn lượt người tham dự chính là những dẫn chứng sinh động cho thấy nhà nông rất cần có những sân chơi pháp luật bổ ích, hấp dẫn và thiết thực.

Cũng trong năm 2007, HDND các điạ phương đã tổ chức hàng trăm cuộc thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa thu hút hàng ngàn lượt người tham dự được đông đảo bà con nhiệt tình hưởng ứng và chính quyền, các ngành các cấp đánh giá cao.      

*Cần sự đào sâu, sáng tạo hơn!

Đến nay, HNDVN đã tổ chức thí điểm việc thực hiện Chỉ thị 26/CP về giải quyết khiếu nại tố cáo ở 247 xã nơi có khiếu kiện phức tạp và triển khai thực hiện Đề án 02-212/TTg về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư ở một số xã giáp biên giới tỉnh Điện Biên. Kết quả cho thấy, nhận thực của nông dân được nâng cao rõ rệt, sự phối kết hợp giữa chính quyền, đoàn thể và HDND cơ sở trong công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho nông dân, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc miền núi chặt chẽ hơn, đồng bộ hơn. 

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra rằng sau khi đã thực hiện thí điểm thành công ở một số địa phương như vậy, chúng ta cần phải có biện pháp cụ thể để tiếp tục duy trì, phát huy những kết quả đó. Và cũng cần có biện pháp để luôn làm mới về nội dung cũng như các hình thức tuyên truyền, tăng sức hấp dẫn, thu hút bà con? Bởi vì công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật là việc làm khó, sẽ rất dễ khô khan, nhàm chán nếu không biết đào sâu, sáng tạo trong cách thực hiện.  

Quỳnh Lưu