Theo Nghị định số 17 vừa ban hành sửa đổi, bổ sung, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư đối với các dự án dầu khí được hình thành thông qua ký kết hợp đồng dầu khí có sử dụng vốn nhà nước từ 3.000 tỷ đồng trở lên hoặc vốn của các thành phần kinh tế từ 5.000 tỷ đồng trở lên; mức vốn này cao hơn so với quy định cũ tương ứng là 1.000 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền chấp thuận đầu tư đối với dự án dầu khí được hình thành thông qua chuyển nhượng quyền lợi tham gia vào hợp đồng dầu khí, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ công ty có sử dụng vốn nhà nước từ 5.000 tỷ đồng trở lên hoặc vốn của các thành phần kinh tế từ 8.000 tỷ đồng trở lên.
Người điều hành dự án dầu khí là doanh nghiệp do Nhà đầu tư thành lập để triển khai dự án dầu khí ở nước ngoài. Trường hợp Nhà đầu tư uỷ quyền cho Người điều hành triển khai dự án dầu khí, Người điều hành được ghi tên trong Giấy chứng nhận đầu tư và được phép sử dụng Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh để phục vụ các hoạt động liên quan đến triển khai dự án; Khi có thay đổi liên quan đến Nhà đầu tư, Người điều hành thì Nhà đầu tư phải làm thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư.
Thời gian thẩm tra, cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cũng được rút ngắn hơn so với Nghị định số 121. Cụ thể, đối với dự án dầu khí không thuộc thẩm quyền chấp thuận đầu tư của Thủ tướng Chính phủ hoặc dự án dầu khí sau khi điều chỉnh tổng mức đầu tư có sử dụng vốn nhà nước từ 3.000 tỷ đồng trở lên hoặc vốn của các thành phần kinh tế từ 5.000 tỷ đồng trở lên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành thẩm tra hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh trong thời hạn 25 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Thủ tục này theo quy định cũ phải mất 30 ngày. Đối với dự án dầu khí được hình thành thông qua chuyển nhượng quyền lợi tham gia vào hợp đồng dầu khí, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ công ty và các dự án dầu khí khác mà Nhà đầu tư giải trình rõ lý do cấp bách xin rút ngắn thời hạn thẩm tra, thời hạn 25 ngày sẽ giảm xuống còn 3 ngày./.
Hải Yến