NHIỀU PHIỀN HÀ KHÔNG CẦN THIẾT
Những việc vừa nêu trên chỉ là một trong rất nhiều phiền hà không cần thiết mà Việt kiều đang gặp phải khi có việc phải giải quyết những vấn đề liên quan tới quốc tịch. Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng: “Tư duy của chúng ta về các thủ tục, giấy tờ là cực kỳ phức tạp”. Đơn cử như việc yêu cầu một số giấy tờ đương sự phải nộp khi nhập quốc tịch Việt Nam. Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8 Nghị định số 104/1998/NĐ-CP thì người nước ngoài xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có Giấy chứng nhận trình độ tiếng Việt (trừ trường hợp được miễn). Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn những người xin nhập quốc tịch Việt Nam là những người đã có thời gian sinh sống ổn định, lâu dài ở Việt Nam và họ đều biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng xã hội Việt Nam.
Về phần mình, ông Trần Thất,Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp- Bộ Tư pháp cho biết: “Nếu yêu cầu những người này phải có giấy chứng nhận trình độ tiếng Việt do Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia cấp thì phiền hà và không khả thi, vì Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn phải tổ chức kiểm tra v.v…Trong khi đó, những người này thường là dân nghèo, sống chủ yếu ở vùng núi biên giới như Lào, Campuchia … , rất khó khăn, không đủ điều kiện kinh tế, thậm chí có người không biết chữ để thi lấy Chứng chỉ tiếng Việt”. . Vì vậy, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã thống nhất với các Bộ, ngành cho phép những đối tượng này được miễn nộp Giấy chứng nhận trình độ tiếng Việt. Khi thụ lý hồ sơ, Sở Tư pháp thực hiện phỏng vấn để xác định khả năng của đương sự về viết, đọc và nói tiếng Việt. Nhiều ý kiến đang tranh luận cho rằng, Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, các dân tộc có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của mình (Điều 5 Hiến pháp 1992), vì vậy điều kiện ‘tiếng Việt” theo quy định của pháp luật về quốc tịch cần được hiểu theo nghĩa bao hàm cả tiếng của các dân tộc thiểu số, nơi người xin nhập quốc tịch sinh sống. Nhưng dù sao, trong khi chờ đợi một quyết định cuối cùng, nhiều người vẫn đang phải “chật vật” để có được một chứng nhận đủ giá trị pháp lý về trình độ tiếng Việt.
Hai loại giấy tờ khác cũng “góp phần” gây phiền hà, mất thời gian của người dân khi xin nhập quốc tịch Việt Nam là Phiếu lý lịch tư pháp và Giấy cho thôi quốc tịch nước ngoài để nhập quốc tịch Việt Nam.
Theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam hiện hành, đối tượng là người nước ngoài có thời gian thường trú ở Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch, khi xin nhập quốc tịch Việt Nam phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nơi đương sự thường trú cấp. Trên thực tế phiếu lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp cấp dựa trên kết quả tra cứu từ các dữ liệu của cơ quan Công an theo quy định của pháp luật về quốc tịch. “Khi tiếp nhận hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam, Sở Tư pháp phải có văn bản đề nghị cơ quan Công an xác minh về nhân thân của đương sự. Vì vậy, việc yêu cầu đương sự nộp phiếu lý lịch tư pháp là động tác không cần thiết, lặp lại việc xác minh của cơ quan Công an, gây mất thời gian, ảnh hưởng đến thời gian giải quyết hồ sơ’ – ông Trần Thất khẳng định. Để giảm bớt những phiền hà này, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã thống nhất với các Bộ, ngành không yêu cầu đương sự nộp Phiếu lý lịch tư pháp. Khi thụ lý hồ sơ, Sở Tư pháp đề nghị Cơ quan Công an xác minh cả về an ninh, và tiền án, tiền sự của đương sự. Văn bản kết luận xác minh được thay cho lý lịch tư pháp.
Về giấy cho thôi quốc tịch nước ngoài để nhập quốc tịch Việt Nam, thực tế giải quyết việc công dân Campuchia cư trú lâu năm trên lãnh thổ Việt Nam xin nhập quốc tịch Việt Nam cho thấy, việc xin cấp giấy chứng nhận thôi quốc tịch Campuchia là rất khó khăn và hầu hết là không thể xin được. Ngoài ra, hiện nay còn tồn tại khá nhiều người Lào đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, chủ yếu ở khu vực biên giới, muốn nhập quốc tịch Việt Nam nhưng họ không thể tự mình liên hệ được với cơ quan có thẩm quyền của Lào để xin Giấy chứng nhận thôi quốc tịch Lào. Nếu chúng ta thực hiện đúng nguyên tắc một quốc tịch triệt để thì không bao giờ giải quyết được nguyện vọng nhập quốc tịch Việt Nam của số cư dân này.
THỜI GIAN GIẢI QUYẾT: TIẾN ĐỘ… RÙA BÒ!
Chắc ai chưa một lần đi nộp đơn xin giải quyết các thủ tục về quốc tịch thì khó có thể hiểu được tâm trạng của bà con Việt Kiều khi phải đi lại, chờ đợi để mong được giải quyết công việc. Tuy nhiên, chỉ nhìn vào các mốc thời gian mà Bộ Tư pháp đưa ra cũng đã đủ để thấy việc này cần phải được xem xét lại một cách nghiêm túc.
Theo quy định tại Điều 37 Luật Quốc tịch Việt Nam hiện hành, người xin nhập, xin trở lại, thôi quốc tịch Việt Nam và xin cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam, Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam ở trong nước thì nộp đơn tại UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi cư trú; ở nước ngoài thì nộp đơn tại Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan lãnh sự của Việt Nam. Quy định này trên thực tế được hiểu là quy định “cứng” về nơi tiếp nhận đơn. Tức là công dân Việt Nam ở nước ngoài bắt buộc phải nộp đơn tại Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, không được trực tiếp nộp đơn ở trong nước. Trong khi đó, nhiều trường hợp đương sự ở nước ngoài nộp đơn tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nhưng sau đó một thời gian, có khi mất hơn 3 tháng, cơ quan này mới chuyển về Việt Nam. Khi hồ sơ đến Bộ Tư pháp thì một số giấy tờ có trong hồ sơ đã gần hết thời gian quy định. Mặt khác, theo quy định tại Chương II, Nghị định 104 về thủ tục, trình tự giải quyết các việc về quốc tịch Việt Nam thì quy trình giải quyết còn rườm rà, lặp đi lặp lại, hồ sơ phải qua nhiều khâu trung gian trước khi đến cơ quan có thẩm quyền quyết định, nhiều trường hợp phải mất 6 tháng hoặc một năm. Ngoài ra, các hồ sơ quốc tịch còn phải qua thủ tục xác minh về nhân thân của cơ quan Công an. Thủ tục này thường mất rất nhiều thời gian, có trường hợp kéo dài đến nửa năm. …
Tất cả những bất cập, vướng mắc nêu trên đang trở thành vấn đề bức thiết cần sửa đổi và luật hoá ngay tại Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi lần này để các quy định của Luật phù hợp với tình hình, sát với thực tiễn cuộc sống và đảm bảo tính khả thi cao./.
Hồng Thuý
Đại tá Phạm Như Minh (Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an) cho rằng, muốn giảm bớt phiền hà, mất thời gian của người dân khi giải quyết công việc liên quan đến quốc tịch, có nhiều cách giải quyết, trong đó có cách để người dân được lựa chọn nơi nộp hồ sơ, miễn sao cho thuận tiện và được lựa chọn hình thức gửi hồ sơ, chẳng hạn như gửi qua thư bảo đảm. Nhưng quan trọng hơn, các cơ quan chức năng phải rút ngắn thời gian giải quyết các yêu cầu về quốc tịch của người dân cư trú trong và ngoài nước theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính. |