Gần 100% đơn vị cấp xã có cán bộ chuyên trách
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, đội ngũ cán bộ tư pháp tính đến hết năm 2007 so với 2 năm trước đã tăng đáng kể. Cán bộ Sở Tư pháp tăng 17,5%, bình quân mỗi Sở Tư pháp có 50,27 cán bộ, mỗi đơn vị thuộc Sở bình quân có 5,47 cán bộ. Các Phòng Tư pháp đã được thành lập ở tất cả các đơn vị hành chính cấp huyện với tổng số cán bộ tăng gần 20% so với năm 2005. Đến nay trung bình mỗi Phòng tư pháp có 3,81 cán bộ. 98,8% đơn vị cấp xã có cán bộ tư pháp hộ tịch chuyên trách, trong đó 10,3% đơn vị cấp xã có 2 cán bộ chuyên trách. Đây là những con số minh chứng rõ nét cho việc kiện toàn, củng cố cán bộ tư pháp địa phương, đặc biệt là ở cấp xã. Đối với các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng…100% cấp xã đã có cán bộ chuyên trách từ lâu, song đối với một số tỉnh miền núi như Sơn La, Lai Châu…thì đây không phải là việc làm đơn giản. Song, cho đến thời điểm này, hầu hết xã phường cũng đã bố trí được cán bộ hộ tịch – tư pháp chuyên trách. Cấp huyện, trước đây rất nhiều Phòng Tư pháp chỉ có 1 cán bộ, nay đã được khắc phục về cơ bản. Đơn cử như ở Sơn La, đến nay nơi ít nhất cũng đã bố trí được 3 cán bộ, nhiều lên tới 5 cán bộ/phòng. Tuy nhiên, tại nhiều nơi, tình trạng chỉ có 2 cán bộ tư pháp/phòng vẫn còn khá phổ biến (như Hà Tĩnh).
Cùng với việc kiện toàn về số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp địa phương cũng tăng đáng kể. Đến hết năm 2007, số cán bộ (cấp xã) có trình độ hết lớp 12 tăng 5%, số có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên tăng 8% so với 2005. Để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, các địa phương liên tục mở lớp đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là mở hoặc phối hợp với các cơ sở đào tạo mở lớp trung cấp pháp lý cho cán bộ tư pháp cấp xã. Nhiều nơi có đến 60 - 70% cán bộ tư pháp chuyên trách đã có trình độ trung cấp pháp lý.
Bộ máy vẫn phải tiếp tục kiện toàn.
Mặc dù từ cấp tỉnh đến xã, đội ngũ cán bộ tư pháp đã được tăng cường một bước so với trước đây, song so với yêu cầu thực tế thì ngành tư pháp địa phương vẫn đang đứng trước nguy cơ thiếu cán bộ. Do sự phân cấp mạnh về cho cơ sở nhiều loại việc (chứng thực, hộ tịch, thi hành án…) dẫn đến tình trạng quá tải, đặc biệt là ở cấp xã. Bởi, vẫn còn đến gần 90% đơn vị cấp xã vẫn chỉ có 1 cán bộ tư pháp trong khi họ phải đảm nhiệm đến 12 loại việc. Đối với các cán bộ có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản đã khó đảm đương huống hồ cán bộ không có trình độ pháp luật do thường xuyên bị thay đổi vị trí công tác. Khi nói về công tác tổ chức cán bộ, hầu hết giám đốc các Sở Tư pháp địa phương đều đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ tăng cường biên chế cho cấp xã lên 2 cán bộ/đơn vị (mà không căn cứ vào số dân như hiện nay). Còn đối với Phòng Tư pháp, ít nhất mỗi đơn vị phải bố trí được 5 cán bộ. Giải quyết các vấn đề này trước hết phải sửa đổi Thông tư liên tịch số 04 giữa Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ. Đây cũng là điều kiện cần thiết để chuẩn bị triển khai thực hiện Nghị định thay thế Nghị định 62/NĐ-CP về chức năng nhiệm vụ của Bộ Tư pháp.
Cùng với việc bổ sung biên chế, vấn đề chất lượng cán bộ cũng cần phải được đầu tư quan tâm đúng mức bằng các lớp tập huấn, bồi dưỡng. Một vấn đề lâu nay ít được các địa phương quan tâm là cơ chế thu hút nhân tài về cho ngành tư pháp. Với đồng lương ít ỏi, công việc lại quá tải như hiện nay, tư pháp cơ sở rất khó khăn vì không có cơ hội lựa chọn cán bộ tốt. Ngược lại, ngành tư pháp đang phải đối mặt với tình trạng cán bộ xin ra khỏi ngành có chiều hướng gia tăng.
Trong chương trình công tác trọng tâm năm 2008, ngành Tư pháp xác định phải tiếp tục kiện toàn bộ máy và nhân sự của cơ quan tư pháp các cấp, nhất là tư pháp cấp xã. Để kiện toàn thì giải pháp được đưa ra là nghiên cứu, tiến hành kiểm tra liên ngành đối với đội ngũ cán bộ tư pháp xã từ đó đề xuất biện pháp tăng cường đội ngũ, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chế độ chính sách…Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề một cách triệt để thì cần phải có sự ủng hộ của các cấp, ngành.
Thu Hằng – Báo Pháp luật Việt Nam