Báo cáo thương mại này đánh giá phản ứng các dòng thương mại của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, Báo cáo tập trung phân tích xuất khẩu và nhập khẩu nói chung của Việt Nam và quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Báo cáo cũng đánh giá sơ bộ về tác động ban đầu các cam kết của Việt Nam trong WTO đối với cơ cấu thuế suất của tất cả các hàng hoá, phân tích tập trung vào những thay đổi cơ cấu thuế của Việt Nam từ giữa năm 2003 cho đến tháng 12/2006 khi bắt đầu thực hiện cắt giảm mức thuế quan gia nhập WTO.
Tại hội thảo nhóm nghiên cứu đã khẳng định rằng, việc gia nhập WTO là mốc son trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, pháp lý của Việt Nam. Kể từ năm 2001 khi chúng ta ký Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ thì về cơ bản Việt Nam đã hoàn hoàn tất việc rà soát và đã sửa đổi phần lớn các luật và quy định về hoạt động liên quan đến thương mại, xây dựng một môi trường pháp lý hiện đại hơn trong việc hỗ trợ tăng trưởng dựa vào khu vực tư nhân và theo nguyên tắc thị trường trong một nền kinh tế đang hội nhập nhanh chóng. Tuy nhiên, cũng nhìn nhận rằng việc gia nhập WTO chưa mở rộng đáng kể thị trường ở nước ngoài cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, ngoại trừ xoá bỏ hạn ngạch hàng dệt may xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, nhìn chung tự do hoá đối với nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ vào Việt Nam sẽ được tiến hành theo lộ trình kéo dài nhiều năm. Tại thời điểm gia nhập WTO, Việt Nam đã giảm mạnh mức thuế quan chủ yếu trong lĩnh vực dệt may, đó là lĩnh vực số lượng hàng nhập khẩu thấp và các cơ sở sản xuất trong nước có năng lực cạnh tranh cao. Do vậy, mặc dù chúng ta kỳ vọng việc cải thiện môi trường pháp lý và tăng cường uy tín khi gia nhập WTO sẽ giúp tăng cường đầu tư trong nước và nước ngoài, nhưng chúng ta không kỳ vọng sẽ có những thay đổi lớn trong tăng trưởng xuất khẩu cũng như nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm 2007 do tác động trực tiếp của việc thực hiện các cam kết WTO. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng việc gia nhập WTO không làm tăng tiếp cận thị trường thế giới nhưng làm tăng khả năng tiếp cận hàng hoá xuất khẩu từ các nước khác vào Việt Nam do Việt Nam thực hiện cắt giảm thuế quan trong khuôn khổ WTO. Việc tăng trưởng cao và liên tục của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2007 và có thể tiếp tục trong năm 2008 phần lớn là do cải cách hành chính và pháp lý theo yêu cầu của WTO.
Như vậy, với việc phân tích, đánh giá tình hình hoạt động thương mại Việt Nam sau 9 tháng gia nhập WTO và những tác động của nó đến nền kinh tế xã hội sẽ góp phần giúp các nhà hoạch định chính sách có những định hướng rõ ràng hơn, đúng đắn hơn trong thời gian tới, đặc biệt là tận dụng những lợi thế có được từ việc gia nhập WTO vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Trần Thị Tuý