Chế độ đãi ngộ đối với Báo cáo viên pháp luật:

                    CÓ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHIỆM VỤ?

   

Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 73) cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, một số nội dung khi áp dụng vào thực tiễn còn vướng mắc, trong đó có chế độ của Báo cáo viên pháp luật.

Chế độ chưa tương xứng với nhiệm vụ

Trong các cuộc họp, hội nghị hay các báo cáo về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, khi nói đến nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn, vấn đề được nói đến là chế độ đối với công tác này, cụ thể hơn là chế độ đối với báo cáo viên pháp luật còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.

Một Báo cáo viên pháp luật cho biết, để tuyên truyền, giới thiệu một nội dung pháp luật, nếu muốn bảo đảm chất lượng thì thời gian chuẩn bị không dưới một tháng. Trong đó khâu chuẩn bị tài liệu, đề cương để tuyên truyền mất nhiều thời gian nhất. Đề cương có ít nhất là 03 loại, một loại để in tài liệu cấp phát cho người học, một loại là đề cương, tư liệu riêng của bản thân để thuyết trình, và một loại nữa là tài liệu điện tử để trình chiếu powerpoint. Để tài liệu bảo đảm tính sinh động, hấp dẫn, báo cáo viên phải sưu tầm nhiều tư liệu, từ những câu chuyện đến hình ảnh thực tế, video clip,… Sau công đoạn chuẩn bị, là đến công đoạn “học bài”, bản thân phải “tập” thuyết trình trước để “canh” thời gian, xem nội dung và quy trình nói có thuyết phục, dễ hiểu không,… Công phu là vậy nhưng sau một buổi giảng báo cáo viên chỉ nhận được từ 150.000 đồng – 200.000 đồng. Nhiều trường hợp nội dung bài giảng chỉ sử dụng một lần nên rất lãng phí. Rõ ràng, không phải là đòi hỏi nhưng với công sức bỏ ra và thù lao nhận được thật sự làm người báo cáo viên cảm thấy hụt hẫng, không có tác dụng động viên, khuyến khích.

Nhập nhằng văn bản áp dụng

Cùng một quy định về mức chi đối với giảng viên, báo cáo viên. Điểm c khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch số 73 quy định các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật áp dụng quy định hiện hành của Bộ Tài chính về quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước. Theo quy định này, văn bản hiện hành được áp dụng là Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Bộ Tài chính. Mức chi cho giảng viên, báo cáo viên được quy định tại văn bản này là từ 300.000đ/buổi – 1.000.000đ/buổi tùy theo trình độ, cấp bậc của giảng viên, báo cáo viên, mức chi này bao gồm cả thù lao soạn giáo án bài giảng. Bên cạnh đó, Thông tư 139 còn quy định: Trường hợp các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn sâu; khóa đào tạo, bồi dưỡng theo phương pháp dạy mới chưa có sẵn giáo án để giảng dạy thì căn cứ yêu cầu chất lượng từng khóa đào tạo, thủ trưởng cơ quan được giao chủ trì khóa đào tạo, bồi dưỡng quyết định trả tiền biên soạn giáo án bài giảng riêng theo hình thức hợp đồng khoán gọn. Như vậy có thể hiểu rằng, mức chi trên được áp dụng trong trường hợp các lớp đào tạo, bồi dưỡng đã có sẵn tài liệu, giáo án để giảng dạy; trường hợp chưa có giáo án thì phải chi trả thêm thù lao biên soạn giáo án? Tuy nhiên, không phải cơ quan, đơn vị nào cũng thống nhất với cách hiểu như trên và chỉ áp dụng quy định là thù lao bài giảng đã bao gồm thù lao soạn giáo án bài giảng.

Cũng quy định về mức chi đối với báo cáo viên pháp luật, điểm a khoản 1 Phần II Phụ lục kèm theo Thông tư liên tịch số 73 quy định cụ thể mức chi đối với Báo cáo viên pháp luật tối đa là 200.000 đồng/buổi. Rõ ràng, so với quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC đã không có sự thống nhất và tương đồng.

Từ sự nhập nhằng trên, đã dẫn đến thực tế áp dụng văn bản của các cơ quan trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật không thống nhất. Thông thường, đối với cơ quan chuyên trách về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thì văn bản áp dụng là Thông tư liên tịch số 73; các cơ quan khác là Thông tư số 139/2010/TT-BTC, và phần lớn cũng không áp dụng quy định về biên soạn giáo án của báo cáo viên. Trong khi đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đòi hỏi người báo cáo viên không chỉ có kiến thức chuyên môn pháp luật sâu, vững vàng mà còn phải có kiến thức thực tế để tuyên truyền, phổ biến và tư vấn, giải đáp pháp luật. Đòi hỏi, yêu cầu đối với người báo cáo viên pháp luật rất cao nhưng chế độ đối với họ chưa được xem trọng.

Việc áp dụng văn bản và mức chi thù lao đối với giảng viên, báo cáo viên pháp luật như trên đã không có tác dụng khuyến khích, động viên, khó thu hút những lực lượng khác như luật sư, luật gia,… tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật, thậm chí có trường hợp từ chối nhiệm vụ.

Từ thực tiễn trên, thiết nghĩ nên quy định về chế độ Báo cáo viên pháp luật dẫn chiếu áp dụng thống nhất theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC. Đồng thời, quy định liên quan đến chế độ giảng viên, Báo cáo viên tại Thông tư này cũng nên được quy định rõ ràng hơn, tránh cách hiểu đa nghĩa để có thể áp dụng thống nhất và khuyến khích báo cáo viên phát huy vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.  

 

Nguyễn Thị Đào – Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế