Đấu tranh phòng, chống tội phạm khủng bố trong bối cảnh hiện nay đang là một vấn đề được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm. Tính đến nay, nước ta đã là thành viên của 8/13 Công ước và Nghị định thư liên quan đến chống khủng bố. Các điều ước quốc tế liên quan đến chống khủng bố mà nước ta là thành viên cũng yêu cầu phải hình sự hoá hành vi khủng bố, các tổ chức khủng bố và hành vi cản trở khủng bố (ở nước ngoài, các hành vi này bị xử phạt rất nặng).
Điều 84 BLHS hiện hành quy định các hành vi nhằm “chống chính quyền nhân dân hoặc gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của VN” thì có thể bị xử phạt đến mức cao nhất là tử hình. Thực tế trong những năm qua, VN rất ít xử các vụ về khủng bố (mà chỉ có một số vụ tuyên truyền chống phá nhà nước). Điều này cũng xuất phát từ tình hình an ninh chính trị của Việt Nam thời gian qua khá ổn định. Tuy nhiên, trước những diễn biến hoà bình, âm mưu của các thế lực thù địch thì việc xử lý nghiêm tội phạm này là một yêu cầu bức thiết, trong đó việc cần làm là phải sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan để phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.
Sẽ có tội “tài trợ cho hoạt động khủng bố”?
Theo Tổ biên tập sửa đổi bổ sung một số điều của BLHS thì bất cập lớn nhất của Điều 84 về tội khủng bố nói trên là chưa tính đến yêu cầu đấu tranh với các hành vi mang tính quốc tế mà chỉ nhằm mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia của Việt Nam. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 20 BLHS về đồng phạm thì người nào có hành vi tài trợ cho việc thực hiện hành vi khủng bố có thể bị truy tố về tội khủng bố với vai trò là người giúp sức. Tuy nhiên, việc truy tố này chỉ có thể thực hiện được khi hành vi khủng bố theo Điều 84 được thực hiện. Vì vậy, những hành vi như quyên góp tiền bạc, lập kế hoạch, xúi giục hoặc giúp đỡ dưới các hình thức khác cho bọn khủng bố nhưng nếu bọn khủng bố chưa thực hiện được hành vi phạm tội thì chưa có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Hơn nữa, nếu việc tài trợ đó được thực hiện nhằm tiến hành khủng bố ở nước ngoài không nhằm chống Việt Nam thì cũng chưa có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS.
Vì những lý lẽ nêu trên, có ý kiến đề nghị hành vi tài trợ cho hoạt động khủng bố nên quy định thành một tội danh độc lập với các dấu hiệu: người nào cung cấp hoặc đứng ra quyên góp nhằm cung cấp tiền, tài sản cho mục đích khủng bố, thì bị coi là phạm tội “tài trợ cho khủng bố”. ý kiến khác cho rằng, không nên quy định thành một tội danh độc lập mà chỉ cần áp dụng chế định đồng phạm quy định tại Điều 20 để xử lý người tài trợ với tư cách là người đồng phạm. Nhưng, phương án này bất cập ở chỗ sẽ không xử lý được người tài trợ cho hoạt động khủng bố nếu kẻ khủng bố chưa thực hiện được hành vi phạm tội.
Không cần gây hậu quả nghiêm trọng: vẫn bị xử lý.
BLHS hiện nay có 3 điều luật quy định về các tội phạm liên quan đến giả mạo giấy tờ, tài liệu của cơ quan nhà nước. Đó là: tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 266); tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 267); tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ con dấu, tài liệu của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội (Điều 268). Về nguyên tắc, các cơ quan pháp luật VN có thể vận dụng các điều luật này để xử lý đối với hành vi liên quan đến giả mạo giấy tờ nhằm mục đích khủng bố. Tuy nhiên, yếu tố cấu thành của các tội phạm này còn có những điểm khác biệt so với chuẩn mực quốc tế, ví dụ: theo quy định của BLHS hiện hành thì các tội trên đều có cấu thành vật chất. Và muốn xử lý hình sự được thì buộc phải “gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” hoặc “đã bị xử lý hành chính”, trong khi đó yêu cầu của các điều ước quốc tế thì cần trừng trị hành vi này sớm hơn.
Trong sửa đổi, bổ sung BLHS lần này, dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung 3 điều luật về các tội liên quan đến giả mạo, giấy tờ theo hướng chỉ cần có hành vi làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu đó nhằm mục đích phạm tội là đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm mà không cần quy định người đó đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc gây hậu quả nghiêm trọng.
Thu Hằng - Báo Pháp luật VN
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc công dân thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. 2. Phạm tội trong trường hợp xâm phạm tự do, thân thể, sức khoẻ, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm. 3. Phạm tội trong trường hợp đe doạ xâm phạm tính mạng hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. 4. Khủng bố người nước ngoài nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước CHXHCNVN, thì cũng bị xử phạt theo Điều này (Điều 84 BLHS về tội khủng bố) |