PV: Là thành viên Tổ biên tập Dự án Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi, xin ông cho biết với xu hướng áp dụng nguyên tắc một quốc tịch mềm dẻo liệu sau khi Luật được sửa đổi, kiều bào Việt Nam định cư ở nước ngoài có được đối xử công bằng như công dân Việt Nam ở trong nước?
Ông Nguyễn Công Khanh: Yêu cầu phải có sự công bằng, theo tôi, là một vấn đề rất khó, bởi vì Việt Nam hiện nay vẫn là một trong số ít các nước còn áp dụng hai khung pháp lý: một khung pháp lý áp dụng đối với tất cả các giao dịch, quan hệ phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam, của công dân Việt Nam và một khung pháp lý áp dụng đối với người nước ngoài hoặc có yếu tố nước ngoài. Điều này thể hiện rất rõ trong thẩm quyền giải quyết đối với các vụ việc, kể cả về hình sự, dân sự, hành chính nói chung. Trong thực tiễn của Việt Nam hiện nay, cứ cái gì liên quan đến yếu tố nước ngoài thì phải lên tỉnh và cấp tỉnh trở lên giải quyết. Đến Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 của Việt Nam cũng có sửa đổi, chỉnh lý; một số vấn đề có yếu tố nước ngoài có thể mở rộng thẩm quyền cho cấp huyện giải quyết, nhưng cái đó không nhiều. Về mặt pháp lý thì như vậy, còn về mặt chính sách, nhất là chính sách đãi ngộ áp dụng đối với công dân thì Việt Nam hiện nay cũng là một trong số ít các nước có phân biệt. Tức là người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài, kể cả anh đã nhập hay chưa nhập quốc tịch nước ngoài, khi về nước đều không được hưởng đầy đủ các quyền và lợi ích như người trong nước. Một trong các quyền và lợi ích rõ nhất đó là các quyền liên quan đến sở hữu bất động sản.
Quay lại vấn đề quốc tịch, tôi cho rằng, sẽ là rất khó có được sự công bằng nếu chúng ta vẫn sửa luật theo hướng thừa nhận họ là công dân Việt Nam mà trên thực tế chính sách của chúng ta đối với họ không mấy thay đổi. Như vậy, vấn đề chính về quyền và lợi ích của người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi về nước không phải là họ có một hay nhiều quốc tịch, mà chính là chính sách đãi ngộ, ưu đãi của nhà nước đối với công dân. Theo tôi, nếu Nhà nước công nhận người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam thì phải cho họ hưởng những quyền và nghĩa vụ cơ bản như công dân trong nước. Làm được thế thì vấn đề quốc tịch mới có ý nghĩa, kể cả về mặt chính trị, kể cả về mặt pháp lý và thực tiễn.
PV: Trong những quyền và lợi ích cơ bản của công dân có quyền ứng cử, bầu cử. Đến bây giờ Ban soạn thảo dự án Luật đã ngã ngũ được việc sửa luật có cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước ứng cử, bầu cử, mua nhà đất như công dân trong nước chưa, thưa ông?
Ông Nguyễn Công Khanh: Hai hay nhiều quốc tịch đều dẫn đến hệ quả rất phức tạp, kể cả hệ quả về chính trị, kể cả hệ quả về pháp lý. Ví dụ như một người vừa là công dân Việt Nam, vừa là công dân Pháp, người đó sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện quyền cũng như nghĩa vụ công dân của mình theo pháp luật của cả hai nước. Đôi khi quan hệ chính trị đặt người đó vào tình huống rất khó xử. Giả sử giữa hai nước xảy ra chiến tranh, người đó biết đi nghĩa vụ quân sự cho nước nào? Hay một công dân Việt Nam mang quốc tịch Mỹ thì làm sao anh ta có thể về Việt Nam thực hiện quyền ứng cử, bầu cử. Bởi vì trên thực tế anh ta là công dân Mỹ, nếu anh ta về Việt Nam để ứng cử, bầu cử thì lập tức anh ta đánh mất quy chế công dân Mỹ. Điều này bắt buộc anh ta phải cân nhắc và lựa chọn.
Về mặt pháp lý, pháp luật Việt Nam hiện hành không có điều khoản nào hạn chế quyền ứng cử, bầu cử của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, nhưng với điều kiện anh phải là "Công dân Việt Nam" và "có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam". Như thế, nếu người Việt Nam định cư ở nước ngoài từ bỏ quốc tịch nước ngoài về Việt Nam sinh sống, làm việc thì quyền ứng cử, bầu cử của họ không có gì là hạn chế. Nhưng nếu người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hai hay nhiều quốc tịch thì kể cả chúng ta sửa Luật thì việc tìm một biện pháp đảm bảo quyền ứng cử, bầu cử cho họ thực sự là rất khó.
Như tôi đã nói, kể cả nhà nước Việt Nam có mở rộng cánh tay để đón họ về tham gia ứng cử, bầu cử thì tôi chắc cũng không phải nhiều người sẵn sàng về, bởi những người đang có quốc tịch ở nước sở tại phải cân nhắc thiệt hơn khi về Việt Nam bầu cử, ứng cử. Thứ nhất, họ không biết có trúng hay không và thứ hai, cái nhìn thấy rất rõ nhất là nước sở tại sẽ xem xét lại quy chế công dân đối với họ. Kỳ bầu cử đại biểu quốc hội Việt Nam khoá XII vừa rồi cũng đã có một vài ý kiến đặt ra về việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài muốn về nước ứng cử. Nhưng, việc này không được chấp thuận do họ đồng thời có quốc tịch nước ngoài. Và, theo tôi được biết thì trên thế giới cũng không có nước nào cho phép một việc như vậy.
Theo quan điểm của tôi, quyền lợi về chính trị cũng quan trọng nhưng không sát sườn đối với kiều bào bằng quyền sở hữu, mà nhất là liên quan đến sở hữu bất động sản, nhà đất. Cái này lại phụ thuộc rất nhiều vào chính sách và quá trình thực thi chính sách.
PV: Nếu đề xuất một giải pháp dung hoà được quyền và lợi ích của cả nhà nước và công dân trong vấn đề quốc tịch, ý kiến mà ông đưa ra sẽ là gì?
Ông Nguyễn Công Khanh: Theo tôi, bên cạnh việc sửa Luật Quốc tịch cho phù hợp tới tình hình trong nước và quốc tế, Nhà nước cũng cần phải ban hành đồng thời các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với người gốc Việt về sở hữu, cũng như một số ưu tiên khác trong đầu tư, giao dịch dân sự, hành chính v.v…
PV: Xin cảm ơn ông!
Hồng Thuý (thực hiện)