Nghị định này áp dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tổ chức trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa là cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, được chia thành ba cấp: siêu nhỏ, nhỏ, vừa theo quy mô tổng nguồn vốn hoặc số lao động bình quân năm. Cụ thể:
- Ở 2 khu vực Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; Công nghiệp và Xây dựng: Doanh nghiệp siêu nhỏ có số lao động 10 người trở xuống, Doanh nghiệp nhỏ có tổng nguồn vốn là 20 tỷ đồng trở xuống với số lao động từ trên 10 người đến 200 người; Doanh nghiệp vừa có tổng nguồn vốn từ trên 20 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng với số lao động từ trên 200 người đến 300 người.
- Ở khu vực thương mại và dịch vụ: Doanh nghiệp siêu nhỏ có số lao động 10 người trở xuống; Doanh nghiệp nhỏ có tổng nguồn vốn 10 tỷ đồng trở xuống với số lao động từ trên 10 người đến 50 người; Doanh nghiệp vừa có tổng nguồn vốn từ trên 10 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng với số lao động từ trên 50 người đến 100 người.
Chương trình trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhà nước là chương trình mục tiêu dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được xây dựng trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành, địa bàn và được bố trí trong kế hoạch hàng năm và 5 năm. Ưu tiên chương trình trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ và doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ.
Về chính sách trợ giúp, Nghị định quy định cụ thể việc trợ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ về tài chính, về mặt bằng sản xuất; về việc đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật; xúc tiến mở rộng thị trường; tham gia kế hoạch mua sắm, cung ứng dịch vụ công; trợ giúp về thông tin và tư vấn; trợ giúp phát triển nguồn nhân lực; vườn ươm doanh nghiệp.
Về trợ giúp tài chính, Nhà nước khuyến khích thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, ban hành cơ chế khuyến khích và dành một số dự án hỗ trợ kỹ thuật để tăng cường năng lực cho các tổ chức tài chính phù hợp mở rộng tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ phù hợp, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về tư vấn tài chính, quản lý đầu tư và các dịch vụ hỗ trợ khác cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để tài trợ các chương trình trợ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về mặt bằng sản xuất, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dành quỹ đất và thực hiện các biện pháp khuyến khích xây dựng các khu, cụm công nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh. Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ quốc gia hàng năm dành một phần kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ. Bộ Khoa học và Công nghệ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện đăng ký và bảo hộ, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm và dịch vụ, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO và các tiêu chuẩn quốc tế khác. Hàng năm, các Bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí thực hiện các hoạt động xúc tiến mở rộng thị trường cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính Phủ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dành tỉ lệ nhất định cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện các hợp đồng hoặc đơn đặt hàng để cung cấp một số hàng hoá, dịch vụ công. Thông qua cổng thông tin điện tử cung cấp thông tin về các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp, các chính sách, chương trình trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và các thông tin khác hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hội đồng Khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa làm nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trung tâm xúc tiến phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trển khai thực hiện một số chính sách, chương trình trợ giúp, là đầu mối tư vấn và thực hiện thí điểm mô hình trợ giúp kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn. Đồng thời, Chính phủ cũng khuyến khích các tổ chức hiệp hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã họi nghề nghiệp, tổ chức xã hội thành lập và củng cố các tổ chức trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/8/2009 và thay thế Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đức Trung