Luật Lý lịch tư pháp có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010
Luật LLTP ra đời nhằm tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cở sở dữ liệu LLTP, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, nhu cầu cấp Phiếu LLTP của công dân (chứng minh người có hay không có án tích, tạo điều kiện cho người bị kết án trong việc xóa án tích, tái hòa nhập cộng đồng). Luật ban hành cũng góp phần phục vụ công tác quản lý nhân sự của các cơ quan, tổ chức, và các cơ quan tiến hành tố tụng, thống kê tư pháp.
Luật LLTP gồm 6 chương, 57 điều, chủ yếu liên quan tới việc tổ chức, quản lý cơ sở dữ liệu LLTP, cung cấp, tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin LLTP và cấp Phiếu LLTP.
Đối tượng quản lý LLTP là công dân Việt Nam bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam hoặc Tòa án nước ngoài.
Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010
Luật TNBTCNN quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý hành chính và tư pháp đối với các cá nhân, tổ chức (cá nhân, tổ chức Việt Nam và cá nhân tổ chức nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam) bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần do cán bộ, công chức nhà nước gây ra khi thi hành công vụ.
Các trường hợp thiệt hại được bồi thường được quy định từ điều 45-51 gồm: Thiệt hại do tài sản bị xâm hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, tổn thất về tinh thần, người bị thiệt hại chết, tổn hại về sức khỏe, trả lại tài sản, khôi phục danh dự cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính, quy định tại Điều 52 về mức bồi thường thiệt hại được bảo đảm từ ngân sách Nhà nước là một quy định mới so với các quy định trước đây.
Theo đó, trường hợp cơ quan trung ương có trách nhiệm bồi thường thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách trung ương; trường hợp cơ quan địa phương có trách nhiệm bồi thường thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách địa phương.
Hướng tới yếu tố nhân đạo trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS đề cập tới 44 điều của BLHS hiện hành (trong đó sửa đổi về nội dung 43 điều luật, sửa về kĩ thuật 1 điều) và bổ sung mới 13 điều luật.
Các điều luật được sửa đổi bổ sung một số điều khoản của BLHS theo hướng nhân đạo hóa, cập nhật tội phạm mới phát sinh trong một số lĩnh vực, quy định một số điều khoản nhằm chuẩn bị các điều kiện pháp lý hình sự để thực hiện các nghĩa vụ quốc tế mà Nhà nước đã cam kết.
Cụ thể, Luật đã bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội phạm: Tội hiếp dâm; tội lửa đảo chiếm đoạt tài sản; tội buôn lậu; tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả; tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy; và tội đưa hối lộ; tội phá hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.
Ngoài ra, Luật đã nâng mức định lượng số tiền trốn thuế, lậu thuế với tội trốn thuế, bổ sung thêm tội xâm phạm quyền tác giả, quy định các hành vi vi phạm lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ, bổ sung các tội phạm về môi trường.
Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS quy định Luật có hiệu lực từ 1/1/2010.
Riêng các điều khoản về bỏ hình phạt tử hình có hiệu lực từ ngày 29/6/2009 khi Chủ tịch nước công bố Luật./.