Hội nghị đã làm rõ hơn về thực trạng tai nạn thương tích trẻ em trong những năm qua và kết quả thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích.
Hàng năm, tai nạn thương tích đã cướp đi hàng chục nghìn sinh mạng và gây tàn tật suốt đời cho hàng nghìn trẻ em (trung bình mỗi ngày, có khoảng 74 trẻ em bị tai nạn thương tích). Các tai nạn thương tích mà các em thường gặp phải do tai nạn giao thông, chết đuối, bỏng, điện giật, ngã, bị chó mèo cắn, ngộ độc hoá chất, thực phẩm,…Trong những năm gần đây, tình hình tai nạn thương tích trẻ em diễn ra phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về người và vật chất, trẻ em không những bị tổn thương về thể xác mà còn bị ảnh hưởng về tinh thần (sang trấn tâm lý, tủi hổ, cô độc…). Ước tính, mỗi năm nhà nước chi khoảng 30 tỷ đồng cho các chi phí y tế, cấp cứu, điều trị, phục hồi chức năng cho nạn nhân bị tai nạn thương tích, nhân dân chi khoảng 60 – 70 tỷ đồng/năm cho các chi phí y tế, cứu chữa, thuốc, chăm sóc bệnh nhân, nạn nhân mất khả năng lao động, tàn tật do tai nạn thương tích gây ra và các chi phí cho người chăm sóc nạn nhân
Tại hội nghị, đại diện trẻ em toàn quốc đã đưa ra thông qua 5 thông điệp về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em:
1- Em bị “đau” - hãy nghe em nói để biết em cần gì
2- Vì trẻ em – hãy xây rào “bảo vệ”
3- Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em - cần nhiều bàn tay quan tâm và sự hiểu biết
4- Bước chân an toàn
5- Tiêu phí hay đầu tư – hãy tạo môi trường sống an toàn không tai nạn thương tích
Thông qua 5 thông điệp này, các mong ước có một thế giới an toàn không có tai nạn thương tích cho trẻ em.
Để đảm bảo và tạo điều kiện cho trẻ em thực hiện quyền được chăm sóc sức khoẻ, được bảo vệ tính mạng thân thể và thực hiện Công ước quốc tế về Quyền trẻ em, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Hội nghị đã nhất trí cao về các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em:
- Lấy phòng tránh là chính, cần giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức phòng ngừa tai nạn thương tích nói chung và tai nạn thương tích trẻ em nói riêng để qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
- Các quy định pháp luật về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em tương đối đầy đủ nhưng được quy định rải rác trong nhiều văn bản (như Bộ luật hình sự, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Quyết định 197/2001/QĐ-TTg…). Tuy nhiên, các quy định này không mang tính cụ thể, không có tính đặc thù về nội dung và chưa có chế tài xử phạt nên chưa tạo được sự quan tâm của cộng đồng, gia đình, nhà trường. Do vậy, hội nghị thống nhất cần có văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao điều chỉnh lĩnh vực phòng chống tai nạn thương tích trẻ em (như Nghị định của Chính phủ, Nghị quyết, Pháp lệnh của Uỷ ban thường vụ Quốc hội) và tiến tới đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số nội dung, điều của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
- Trước mắt, cần triển khai ngay các biện pháp phòng chống tai nạn thương tích trẻ em trong năm 2008 và những năm tiếp theo.
Để công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, cần 1 giải pháp thống nhất, đồng bộ, có sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, sự lãnh đạo của nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành và sự ủng hộ của toàn cộng đồng.
Vy Khánh