Tủ sách pháp luật trong xu thế phát triển công nghệ thông tin

Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, mạng Internet trở nên phổ biến, có nhiều quan điểm đánh giá về hiệu quả của Tủ sách pháp luật, có ý kiến cho rằng: Tủ sách pháp luật giờ đây không còn cần thiết, nhưng cũng không ít người vẫn tin tưởng vào vai trò của Tủ sách pháp luật đối với cán bộ, nhân dân.

 

1. Bị mạng Internet “lấn át”

Phỏng vấn một số cán bộ về hiệu quả sử dụng của Tủ sách pháp luật, phần lớn đều nhận thấy “từ ngày có internet, mọi người ít cần đến sách”. Đó là thực tế của không ít cơ quan, đơn vị hiện nay. Nhiều  nơi, Tủ sách pháp luật rơi vào tình trạng “bỏ mặc”, hầu như chẳng có ai tìm đến. Sự thuận lợi trong việc tra cứu, tìm kiếm từ mạng internet đã thu hút một lượng lớn người sử dụng. Tại đợt kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2013 của tỉnh Thừa Thiên - Huế, cán bộ lãnh đạo cấp phòng của một cơ quan đã phát biểu: Sử dụng tài liệu từ mạng internet rất thuận lợi, muốn xem trang nào đến ngay trang đó, muốn tìm thông tin gì trong văn bản “seach” có ngay, muốn chữ to để đỡ đau mắt cũng được,… Tất cả những thuận lợi đó của mạng internet là một trong những lý do rất quan trọng “hút” mất độc giả “truyền thống” của Tủ sách pháp luật, chưa nói đến đối tượng thanh thiếu niên trẻ hiện nay.

Kiểm tra 06 cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã ở Thừa Thiên - Huế, chỉ có 01 Sở bố trí kinh phí để mua sách pháp luật. Kiểm tra việc quản lý, khai thác các Tủ sách pháp luật, chất lượng quản lý chưa đáp ứng yêu cầu. Theo thống kê, các Tủ sách pháp luật có từ 200 - 300 đầu sách. Trong đó, ở cấp tỉnh và huyện, sách chủ yếu là các văn bản quy phạm pháp luật nhưng không đầy đủ, chưa hệ thống; ở cấp xã, gần 60% là sách hỏi – đáp do cơ quan cấp trên cấp phát miễn phí, một số sách văn bản quy phạm pháp luật và công báo… Việc mở sổ theo dõi mượn, trả sách thực hiện chưa nghiêm túc, nhiều đơn vị chưa lập sổ do chủ quan vì rằng đều là người cùng cơ quan mượn đọc, nghiên cứu. Mô hình luân chuyển tài liệu giữa Tủ sách pháp luật của xã với Bộ đội biên phòng, Bưu điện xã cũng dần “chết yểu” do nguồn tài liệu không phong phú và không có người phụ trách.

2. Xác định đúng vai trò của Tủ sách pháp luật

“Tủ sách pháp luật vẫn rất cần đối với cán bộ, nhân dân”, đó là khẳng định của đại diện nhiều ngành, địa phương. Mạng internet thật sự mang lại nhiều thuận lợi trong tra cứu văn bản, tuy nhiên, để phục vụ cho công tác nghiên cứu hoặc hội họp thì phải có các tài liệu bằng sách, tài liệu công báo – tài liệu gốc. Mặt khác, có thể nói rằng, hệ thống mạng internet hiện nay hầu như đã được phổ cập. Thực tế ở cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa vẫn còn hết sức khó khăn về mặt cơ sở vật chất, kinh tế xã hội thì hệ thống mạng internet chưa có hoặc không bảo đảm chất lượng. Theo phát biểu của một đồng chí Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện, thì “bác nông dân vốn tay cày tay cuốc thì làm sao biết đến máy vi tính với mạng internet”. Như vậy, tủ sách pháp luật không thể thiếu trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhất là ở cơ sở.

Để tủ sách pháp luật thực sự phát huy hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần có sự đầu tư kinh phí, thời gian để sắp sếp, bố trí, giới thiệu đến đông đảo nhân dân. Trước hết, cần trang bị đầy đủ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, gồm Hiến pháp, Bộ luật, các luật, pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành; các sách bình luận, nghiên cứu, phân tích luật; sách hỏi – đáp, xử lý tình huống, mẫu văn bản, giấy tờ… Sau đó, cần bố trí địa điểm đặt tủ sách để thuận tiện cho người dân có thể đọc, mượn dễ dàng.

 

Nguyễn Thị Đào – Sở Tư pháp TT - Huế