Từ 1-4-2006: đăng ký hộ tịch có gì mới?

Ngày 1-4 tới là thời điểm chính thức có hiệu lực thi hành Nghị định 158/2005/NĐ-CP thay thế Nghị định 83/1998/NĐ-CP về đăng ký hộ tịch. Nghị định 158 đã bước đầu có những sửa đổi quan trọng trong việc phân công, phân cấp trách nhiệm cũng như đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ... tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân khi đi đăng ký hộ tịch.

Đăng ký khai sinh:

Đăng ký quá hạn, đăng ký lại

Việc sinh, tử chưa đăng ký trong thời hạn qui định theo nghị định này thì phải đăng ký theo thủ tục đăng ký quá hạn. UBND cấp xã thực hiện việc đăng ký khai sinh quá hạn.

Việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi đã được đăng ký nhưng sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đã bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được thì được đăng ký lại. UBND cấp xã nơi đương sự cư trú hoặc nơi đã đăng ký việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi trước đây thực hiện việc đăng ký lại.

Khi đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi, nếu người đi đăng ký lại xuất trình bản sao giấy tờ đã cấp hợp lệ trước đây, thì nội dung khai sinh, khai tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi được ghi theo nội dung của bản sao giấy tờ hộ tịch.

Trường hợp đăng ký lại việc khai sinh cho người không có bản sao giấy khai sinh đã cấp trước đây, nhưng đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân như sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, học bạ, bằng tốt nghiệp, lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên, mà trong các hồ sơ, giấy tờ đó đã có sự thống nhất về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán thì đăng ký đúng theo nội dung đó. Trường hợp không thống nhất thì đăng ký theo hồ sơ, giấy tờ được lập đầu tiên. Trong trường hợp địa danh đã có thay đổi thì phần khai về quê quán được lập theo địa danh hiện tại.

Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con; nếu cha, mẹ không thể đi khai sinh thì ông, bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh cho trẻ. Khi đăng ký khai sinh (ĐKKS) phải nộp giấy chứng sinh và xuất trình giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ. Trong trường hợp không có giấy chứng sinh, không có người làm chứng thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thật.

Trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha thì cứ để trống. Nếu vào thời điểm ĐKKS có người nhận con thì UBND cấp xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là UBND cấp xã) kết hợp giải quyết việc nhận con và ĐKKS. Trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, khi ĐKKS họ tên của trẻ được ghi theo yêu cầu của người đi khai sinh; nếu không biết ngày sinh, nơi sinh thì lấy ngày và nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi làm ngày sinh, nơi sinh.

Đăng ký kết hôn:

Chỉ cần có tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu) có chứng nhận hợp pháp dưới 6 tháng và xuất trình giấy chứng minh nhân dân (hoặc hộ chiếu của người đi đăng ký hộ tịch), sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể hoặc giấy tạm trú có thời hạn. Trong thời hạn năm ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy hai bên nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo Luật hôn nhân gia đình thì UBND cấp xã đăng ký kết hôn cho họ.

Đăng ký khai tử:

UBND cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử (ĐKKT), nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì UBND cấp xã nơi người đó chết thực hiện việc ĐKKT. Thời hạn khai tử là 15 ngày kể từ ngày chết. Đặc biệt, trẻ em sinh ra sống được 24 giờ trở lên rồi mới chết cũng phải ĐKKS và ĐKKT. Nếu cha, mẹ không đi khai sinh và khai tử thì cán bộ tư pháp tự xác định nội dung để ghi vào sổ ĐKKS và sổ ĐKKT.

Đăng ký việc nuôi con nuôi:

Đến UBND cấp xã nộp giấy thỏa thuận về việc cho và nhận con nuôi (theo mẫu) do chính cha, mẹ đẻ và người nhận con nuôi lập. Nếu một bên cha, mẹ chết (hoặc mất năng lực) thì chỉ cần một người còn lại ký thỏa thuận là được, nếu cả cha và mẹ đều chết thì người giám hộ ký thỏa thuận. Trường hợp trẻ đang sinh sống tại cơ sở nuôi dưỡng mà không xác định được cha mẹ thì người đại diện cơ sở này ký thỏa thuận. Trường hợp con nuôi từ 9 tuổi trở lên thì phải có ý kiến đồng ý của người đó, trừ trường hợp người đó bị mất năng lực hoặc hạn chế hành vi dân sự.

Thay đổi, cải chính hộ tịch:

Đối với những trường hợp dưới 14 tuổi, khi cần thay đổi, cải chính hộ tịch thì có thể đến UBND cấp xã để giải quyết. Theo đó, cấp xã, phường có quyền được thay đổi họ, chữ đệm, tên trong giấy tờ hộ tịch; cải chính trong giấy khai sinh của trẻ dưới 14 tuổi và bổ sung hộ tịch cho mọi trường hợp không phân biệt độ tuổi.

Cấp huyện (mà đương sự đã đăng ký khai sinh trước đây) sẽ tiến hành giải quyết các việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên và xác định lại dân tộc, giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh lại hộ tịch cho mọi trường hợp. Cấp tỉnh chỉ còn phải chịu trách nhiệm giải quyết đối với những trường hợp có yếu tố nước ngoài.

Đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài:

Theo nghị định mới, đối với công dân VN ở trong nước thì việc đăng ký hộ tịch được thực hiện tại nơi người đó đăng ký hộ khẩu thường trú. Nếu không có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì việc đăng ký hộ tịch được thực hiện tại nơi người đó đăng ký tạm trú có thời hạn theo qui định của pháp luật về đăng ký hộ khẩu.

Tương tự như vậy, người nước ngoài cư trú tại VN cũng được đăng ký hộ tịch tại nơi người đó thường trú hoặc tạm trú. Việc ĐKKS cho trẻ sinh ra tại VN có cha mẹ là người nước ngoài được thực hiện tại sở tư pháp, nơi cư trú của cha hoặc mẹ. Tên của trẻ là tên VN hoặc tên nước ngoài theo sự lựa chọn của cha mẹ.

(M.Luận)

(Theo báo Tuổi trẻ)