PV: Thưa ông, tại sao việc rà soát các VBPL với các nghĩa vụ và cam kết của WTO không được hoàn thành trước khi Việt Nam là thành viên WTO?
Ông Hoàng Phước Hiệp: Hoạt động rà soát nhìn chung đã được Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiến hành từ năm 2000 đến nay, phục vụ chủ yếu 3 mục đích lớn: Đáp ứng nhu cầu phát triển nội tại của Việt Nam trong quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, kiểm tra xem hệ thống pháp luật của nước ta có đáp ứng các yêu cầu đó hay không; Rà soát lại xem pháp luật Việt Nam có tương thích với những cam kết của Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế, đặc biệt là với các cam kết của WTO; Trên cơ sở nhìn nhận, rà soát để đưa ra những chiến lược, kế hoạch ngắn, trung và dài hạn trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam. Hơn nữa, theo qui định của WTO, các nước thành viên có nghĩa vụ phải báo cáo tình hình của pháp luật nước mình liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên tại WTO cho WTO, theo định kỳ (2,3,4 năm/lần) hoặc đột xuất theo yêu cầu của một uỷ ban thuộc WTO. Vì vậy, hoạt động rà soát không chỉ tiến hành trước khi Việt Nam vào WTO mà còn phải được tiếp tục cả sau khi đã gia nhập.
PV: Ông có thể đưa ra đánh giá chung về kết quả rà soát VBPL Việt Nam với các cam kết của WTO lần này?
Ông Hoàng Phước Hiệp: Chúng ta đã tiến hành 3 đợt rà soát: đợt rà soát lớn nhất (từ năm 2000 đến giữa năm 2005) cho thấy số VBPL cần sửa đổi, bổ sung còn nhiều do các qui định pháp luật của nước ta chưa phù hợp với các cam kết của Việt Nam tại WTO; đợt 2 (từ giữa năm 2005 đến cuối năm 2006) để phục vụ đàm phán trực tiếp cho việc gia nhập WTO với điều kiện là pháp luật Việt Nam đã đáp ứng các điều kiện bắt buộc để trở thành thành viên WTO. Trong đợt này, Việt Nam đã cam kết với WTO và hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới 30 văn bản, được WTO đã đánh giá tốt. Đợt rà soát gần nhất (từ tháng 1 đến tháng 12/2007) để xem xét mức độ tương thích và xem xét những cam kết nào có thể áp dụng trực tiếp, cam kết nào cần nội luật hoá và phương hướng trong thời gian tới. Trong lần rà soát này kết quả cho thấy, toàn bộ qui định của pháp luật Việt Nam là thống nhất với các cam kết của WTO vì trước khi vào WTO ta đã rà soát và đảm bảo tính thống nhất; nhưng cũng còn một số qui định của pháp luật Việt Nam chưa đủ rõ, chưa đủ chi tiết để thực hiện hiệu quả các quyền và nghĩa vụ của Việt Nam với WTO. Do đó còn nhiều VBPL phải được cụ thể hoá, chi tiết hoá; một số cam kết chưa được đưa vào luật, pháp lệnh và chưa có văn bản điều chỉnh phù hợp vì WTO còn qui định lộ trình cho Việt Nam (như việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia là 3 năm; thành lập doanh nghiệp dịch vụ dầu khí 100% vốn nước ngoài 5 năm…) nên chúng ta còn thời gian để tiếp tục hoàn thiện các qui định pháp luật cho phù hợp.
PV: Ông đánh giá thế nào về việc áp dụng những qui định chưa tương thích của pháp luật Việt Nam với các cam kết của WTO thời gian qua?
Ông Hoàng Phước Hiệp: Tỷ lệ các VBPL chưa tương thích rất nhỏ, rải rác, thêm vào đó tác động của các cam kết WTO đến Việt Nam là theo chiều thuận, chứ không cản trở việc phát triển kinh tế, thương mại của Việt Nam với các nước nên tác động của sự không tương thích là không đáng kể. Song do sự chuẩn bị của các DN, cơ quan Việt Nam chưa theo chiều thuận, chưa được như mong muốn, chưa theo kịp lộ trình hội nhập nên việc thực thi các cam kết cũng có gặp khó khăn. Đối với những cam kết chưa được đưa vào luật của nước ta thì ta có thể tận dụng thời gian còn lại của lộ trình để xem xét và chuẩn bị cho năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam trước khi đưa các qui định này vào luật.
PV: Vậy để thực hiện tốt các cam kết của WTO và giải quyết được những vấn đề còn chưa tương thích trong pháp luật quốc gia, Việt Nam cần thực hiện những biện pháp nào, thưa ông?
Ông Hoàng Phước Hiệp: Để thực hiện các cam kết WTO cần có biện pháp tổng thể về cả kinh tế, pháp luật, an ninh quốc phòng, hành chính…với sự nỗ lực của tất cả các Bộ, ngành, cá nhân. WTO là nơi giải quyết các vấn đề pháp luật chứ không phải là nơi để “xin xỏ” các lợi ích kinh tế, vì thế phải giải được bài toán tổng thể để đảm bảo sự thành công khi thực hiện các cam kết WTO. Còn để giải quyết những vướng mắc (có thể xảy ra) do sự chưa tương thích của pháp luật với các cam kết của WTO thì vấn đề là chọn phương pháp. Có thể xác định được những qui định của WTO đủ rõ, chi tiết về mặt cam kết và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền để áp dụng trực tiếp. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ xử lý gánh nặng cho các cơ quan lập pháp nhưng lại chuyển sang gánh nặng đó cơ quan hành pháp khi phải chi tiết hoá các qui định để đảm bảo tính khả thi trong việc áp dụng. Cách hay làm là dùng một VBQPPL để sửa đổi các VBPLQP khác, dưới hình thức một tổng luật và trên cơ sở đó xây dựng các VBPL khác như kinh nghiệm của Mỹ, Pháp, Canada, Trung Quốc… vì về lâu dài cần nội luật hoá các cam kết WTO thành qui định của pháp luật quốc gia.
PV: Trân trọng cảm ơn ông./.
Huy Long