Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới
Mục đích của nhóm biện pháp này là nhằm bảo đảm mục tiêu bình đẳng giới trong trường hợp có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển mà việc áp dụng các quy định chung cho nam và nữ không làm giảm được sự chênh lệch này.
Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới bao gồm: Quy định nữ được quyền lựa chọn và quyền ưu tiên trong trường hợp có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam để bảo đảm bình đẳng giới; quy định tỷ lệ nam, nữ hoặc bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng tham gia, thụ hưởng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội trên cơ sở bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi và các tiêu chuẩn khác theo quy định của pháp luật; hỗ trợ, tạo điều kiện, cơ hội cho nữ hoặc nam để tăng cường sự chia sẻ giữa phụ nữ và nam giới trong việc thực hiện chức năng sinh sản, công việc gia đình và xã hội phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới...(Điều 13 Dự thảo Nghị định).
Hình thành Quỹ thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới
Để bảo đảm thực hiện có hiệu quả chính sách bình đẳng giới và Luật Bình đẳng giới, Dự thảo Nghị định quy định cụ thể về các vấn đề liên quan đến nguồn tài chính cho hoạt động bình đẳng giới, dự kiến có Quỹ thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới.
Theo Dự thảo, nguồn tài chính cho hoạt động bình đẳng giới bao gồm: nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp; nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân và các nguồn thu hợp pháp khác.
Để tạo cơ chế pháp lý huy động sự đóng góp tự nguyện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho các hoạt động có liên quan đến giới và bình đẳng giới, Dự thảo Nghị định dự kiến xây dựng Quỹ thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hình thành và phát triển quỹ thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới theo quy định của pháp luật về quỹ (Điều 20).
Biện pháp thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới
Mục đích của biện pháp này là nhằm tạo cơ sở pháp lý cũng như định hướng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân vận dụng cho phù hợp trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình cũng như toàn xã hội về giới và bình đẳng giới.
Theo đó, thông tin về bình đẳng giới bao gồm các nội dung: Tác hại của định kiến giới, phân biệt đối xử về giới; công tác đấu tranh, phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới; biện pháp, kinh nghiệm tốt, mô hình, điển hình tiên tiến trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về giới và bình đẳng giới, đấu tranh xoá bỏ phân biệt đối xử về giới và định kiến giới...
Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Đây là một trong những biện pháp quan trọng bảo đảm bình đẳng giới. Nội dung của biện pháp này là trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo phải có trách nhiệm: Xác định vấn đề liên quan đến thực hiện bình đẳng giới, vấn đề bất bình đẳng giới, sự phân biệt đối xử về giới trong phạm vi điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật; dự kiến các biện pháp kinh tế, xã hội, hành chính, pháp luật để thực hiện bình đẳng giới hoặc để giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới trong phạm vi dự điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật; xác định nguồn nhân lực, tài chính cần thiết để triển khai các biện pháp thực hiện bình đẳng giới ...(Điều 8 Dự thảo).
Tuấn Phong