Nơi quá tải, nơi “ngồi chơi, xơi nước”
Từ tháng 7/2007, theo quy định của Luật, các Phòng công chứng thôi không chứng nhận các bản sao nữa khiến cho số lượng công việc tại các Phòng công chứng giảm hẳn. Nếu như các Phòng công chứng ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn luôn quá tải, thì ngược lại, nhiều Phòng công chứng ở các tỉnh, nhất là các tỉnh nhỏ, các tỉnh miền núi lại rơi vào tình trạng thiếu việc làm. Thêm vào đó, theo Luật Đất đai và Luật Nhà ở, ngoài Phòng công chứng ra thì UBND cấp xã và cấp huyện có thẩm quyền chứng thực các hợp đồng giao dịch, trong đó có hợp đồng giao dịch về bất động sản, càng khiến cho nhiều Phòng Công chứng trở nên vắng vẻ.
Theo tinh thần của Luật Công chứng, vì tách bạch giữa hoạt động công chứng với hoạt động chứng thực nên về mặt lâu dài, tất cả các hợp đồng giao dịch, đặc biệt là các hợp đồng giao dịch về bất động sản, đều phải do các công chứng viên chứng nhận do đây là những hợp đồng giao dịch có giá trị cao, phức tạp, tiến tới chấm dứt việc giao cho UBND cấp huyện, cấp xã chứng thực các hợp đồng giao dịch về bất động sản nói riêng và các hợp đồng giao dịch nói chung. Nếu làm được điều này, các UBND chỉ làm việc chứng thực, chủ yếu là chứng thực bản sao. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là lấy đâu ra người để đảm nhiệm khối lượng công việc này? Muốn sửa Luật Đất đai, Luật Nhà ở để giao các hợp đồng giao dịch bất động sản về cho công chứng viên làm thì phải có một đội ngũ công chứng viên đông đảo. “Tôi lấy ví dụ như ở Pháp có đến 8.000 công chứng viên, trong khi ở ta mới có hơn 450 công chứng viên, thì chưa thể sửa luật theo hướng giao toàn bộ các hợp đồng giao dịch về đất đai và nhà ở cho công chứng viên được. Nếu làm thế sẽ lại gây ách tắc” – Ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính – Tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết. Như vậy, có một thực tế đặt ra là muốn chuyển toàn bộ các hợp đồng giao dịch về đất đai, nhà ở sang cho công chứng viên thì phải có một đội ngũ công chứng viên hàng nghìn người để đảm bảo cho công việc được trôi chảy, ngược lại, muốn có đội ngũ công chứng viên đông hàng nghìn người thì lại phải có đủ việc cho họ làm. “Chúng ta đang đứng trước vấn đề nan giải: muốn có cái nọ thì phải có cái kia, hay nói cách khác là muốn có quả trứng thì phải có con gà, muốn có con gà lại phải có quả trứng. Đây là câu chuyện giữa công chứng viên và vấn đề sửa luật theo hướng giao các hợp đồng giao dịch về bất động sản cho công chứng viên thực hiện” – Ông Trần Thất chia sẻ.
Thực tế không phải lúc nào cũng rạch ròi
Một trong các quy định “vướng nhất” trong Nghị định 79 là việc giao cho UBND cấp huyện chứng thực bản sao bằng tiếng nước ngoài và UBND cấp xã chứng thực bản sao bằng tiếng Việt, trong khi nhưng thực tế không phải lúc nào cũng rạch ròi giữa bản tiếng Việt và bản tiếng nước ngoài. Có những trường hợp trong cùng một tài liệu, vừa có tiếng Việt, vừa có tiếng nước ngoài như quyển hộ chiếu, hoặc trong Giấy chứng nhận kết hôn giữa một công dân Việt Nam và một công dân nước ngoài, tên người nước ngoài không thể viết bằng tiếng Việt. Cơ quan nào có trách nhiệm chứng thực các bản sao này: không rõ. Thành ra, khi người dân đến xã thì xã đẩy lên huyện, lên huyện thì huyện lại đùn về xã, hai bên cứ đùn đẩy cho nhau. Để tháo gỡ vướng mắc này, Bộ Tư pháp đang chuẩn bị một thông tư, trong đó hướng dẫn cụ thể các giải quyết những trường hợp bản sao không phân định rạch ròi tiếng Việt và tiếng nước ngoài.
Người thực hiện cố tình gây phiền hà
Trước thời điểm tháng 7/2007, việc chứng thực được thực hiện tại hơn 200 Phòng công chứng. Từ ngày Luật Công chứng có hiệu lực, hoạt động chứng thực được chuyển về hơn 700 huyện và hơn 1 vạn xã. Nhìn về mặt số lượng thì chứng thực đã gần dân hơn và chắc chắn sẽ giải toả được những ách tắc tồn tại bấy lâu trong hoạt động này. Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy. Vì có hơn 1,7 vạn điểm có thể thực hiện nhiệm vụ chứng thực nên Nghị định 79 quy định rõ về vấn đề thời hạn, yêu cầu việc chứng thực phải được thực hiện ngay trong ngày, trừ những trường hợp đặc biệt, phức tạp, nhưng khi triển khai đến các địa phương, nhất là cấp huyện, cấp quận thì vấn đề trở nên ách tắc vô cùng. “Ngay như Hà Nội đây, các ông đẻ ra cái bộ phận hành chính một cửa, chuyên ngồi tiếp nhận các yêu cầu về chứng thực bản sao của người dân, sau đó mới chuyển đến cho anh Trưởng phòng Tư pháp. Như vậy, đáng nhẽ trước đây người dân trực tiếp mang bản sao đến Phòng Tư pháp chứng thực là xong, thì bây giờ lại phải đi vòng, vào một cửa tiếp nhận rồi mới đến cửa Phòng Tư pháp. Đấy gọi là “một cửa” mà thành “hai cửa”, nghịch lý là như vậy” – Ông Trần Thất bức xúc. Cũng theo những thông tin mà ông Trần Thất có được thì nhiều cán bộ tại Bộ phận một cửa là những người không nắm gì về nghiệp vụ chứng thực, nhiều người không được đào tạo, không có bằng cấp gì cả. Có những việc đương sự mang đến hỏi Trưởng Phòng tư pháp xem có chứng thực được không, Trưởng phòng tư pháp bảo chứng được, nhưng Trưởng Phòng tư pháp không được nhận trực tiếp hồ sơ, lại phải chuyển qua bộ phận một cửa. Tại bộ phận một cửa thì anh cán bộ tiếp nhận hồ sơ không có nghiệp vụ gì cương quyết bảo rằng không chứng thực được nên không nhận.
Như vậy, theo quy định của Nghị định 79 thì bản thân việc “chứng thực” đã là “một cửa” và mục đích của việc tách bạch giữa công chứng và chứng thực là nhằm giảm bớt phiền hà, ách tắc cho người dân, nhưng khi triển khai xuống các địa phương thì không ít người thực hiện cố tình làm cho hoạt động này trở nên mất thời gian. “Đằng sau cái này là gì thì tôi cũng chưa biết, nhưng nhiều người dân phàn nàn rằng đằng sau đó là chuyện “lệ phí”. Đây là một vấn đề mà tới đây cần lưu ý, giải toả” – Ông Trần Thất khẳng định.
La Thành