Bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội cho biết, các công việc chính chuẩn bị cho kỳ họp này cơ bản đã hoàn tất, HĐND thành phố dự kiến tiêu đề của kỳ họp sẽ là “HĐND thành phố Hà Nội (kỳ họp hợp nhất HĐND Thành phố Hà Nội và HĐND tỉnh Hà Tây) nhiệm kỳ 2004 – 2009”, khóa họp vẫn giữ nguyên là khóa XIII. Góp ý cho tiêu đề này, ông Phan Trung Lý, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng HĐND thành phố Hà Nội nên lấy tiêu đề của kỳ họp là “HĐND thành phố Hà Nội, Kỳ họp thứ nhất, khóa XIV” vì phải xác định đây là kỳ họp thứ nhất của HĐND thành phố Hà Nội mới. Tuy nhiên, ông Phan Trung Lý cũng khẳng định Ủy ban thường vụ Quốc hội đã giao việc này cho HĐND thành phố Hà Nội quyết định nên tiêu đề kỳ họp như thế nào HĐND thành phố Hà Nội hoàn toàn có thể quyết định. Ngoài băn khoăn về tiêu đề của kỳ họp, bà Ngô Thị Doãn Thanh cũng cho biết, HĐND thành phố Hà Nội dự kiến số lượng thành viên các Ban HĐND, Phó Trưởng ban theo nguyên tắc cộng thành viên 2 ban và các Phó trưởng ban hiện có. Tuy nhiên, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội có văn bản quyết định về số lượng cụ thể Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực HĐND thành phố Hà Nội (mới) là 2 Phó Chủ tịch và 2 Ủy viên thường trực để thuận lợi hơn cho công tác nhân sự. Số lượng Hội thẩm nhân dân thành phố cũng là một vấn đề Hà Nội đang còn nhiều băn khoăn. Theo dự kiến thì số lượng Hội thẩm nhân dân thành phố Hà Nội sẽ là con số được gộp từ 25 vị của tỉnh Hà Tây và 59 vị của thành phố Hà Nội. Nhưng HĐND Thành phố chưa biết quyết định thế nào đối với những vị là Hội thẩm nhân dân của huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của Hòa Bình. Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu giải đáp, theo luật định, khi huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của tỉnh Hòa Bình đã được nhập về Hà Nội thì về nguyên tắc, những vị là Hội thẩm nhân dân của các đơn vị này cũng được nhập về Hà Nội, trừ khi họ có nguyện vọng khác.
Một nội dung quan trọng nữa được Thường trực HĐND thành phố Hà Nội và Hà Tây đưa ra xin ý kiến Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Đoàn công tác là chủ trương tiếp tục thực hiện đến hết năm 2008 các cơ chế, chính sách đã được HĐND của từng địa phương quyết nghị trước khi hợp nhất, hiện đang áp dụng. Đồng tình với chủ trương này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, vào thời điểm hợp nhất, Thành phố Hà Nội (mới) không thể làm ngay được việc áp dụng thống nhất một cơ chế, chính sách cho toàn Thành phố, bởi vậy, bằng một Nghị quyết của kỳ họp HĐND hợp nhất, Hà Nội (mới) nên cho phép các địa phương được thực hiện các cơ chế, chính sách đã được HĐND từng địa phương quyết nghị trước khi hợp nhất đến hết năm 2008. Trong thời gian đó, Thành phố Hà Nội mới sẽ rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách sao cho đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Về nội dung Hà Nội đang “bí” trong việc hợp nhất hai Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội – Hà Tây, đến thời điểm này vẫn chưa có ai đứng ra làm triệu tập viên để hợp nhất, bà Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội có văn bản chỉ định triệu tập viên. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng động thái này là không cần thiết. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, việc này do hai Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội và Hà Tây thống nhất, cả hai Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đều là triệu tập viên, mời các đại biểu Quốc hội của hai Đoàn họp lại, bầu Trưởng đoàn mới rồi báo cáo kết quả lên Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.
Theo đúng lịch trình, kỳ họp hợp nhất HĐND thành phố Hà Nội và HĐND tỉnh Hà Tây sẽ khai mạc vào ngày 1/8.
La Thành