Đương sự hiểu luật hơn cán bộ
Theo tổng kết của Vụ Hành chính tư pháp, khi giải quyết việc kết hôn có yếu tố nước ngoài, cán bộ hộ tịch của các Sở Tư pháp có rất nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn đến việc áp dụng các quy định về thủ tục không thống nhất. Cùng một việc, nhưng địa phương này giải quyết dễ dàng, địa phương khác lại gây khó khăn, thậm chí không giải quyết, dẫn đến bức xúc trong dư luận. Chính vì vậy, đã có trường hợp, đương sự phải làm động tác chuyển hộ khẩu từ địa phương này sang địa phương khác mới được công nhận việc kết hôn.
Một số cán bộ hộ tịch lại không cập nhật kịp thời những quy định mới, thậm chí không nghiên cứu kỹ những quy định hiện hành nên đã dẫn đến việc gây phiền hà cho các bên kết hôn. Nhiều khi, chính người đi làm thủ tục đăng ký kết hôn lại hiểu luật hơn cán bộ giải quyết việc kết hôn (!). Nhưng vì tâm lý “tránh voi chẳng xâu mặt nào”, nên họ vẫn phải đáp ứng đủ các giấy tờ mà cán bộ yêu cầu, dù biết rõ mười mươi rằng pháp luật không có quy định nào yêu cầu như vậy. Không chỉ làm khổ dân, những cán bộ lười nghiên cứu, thụ động này còn làm phiền cả đến Bộ Tư pháp. Nhiều vụ việc, dù đã được quy định rõ ràng trong văn bản pháp luật, nhưng do không nghiên cứu kỹ, nên từ đề xuất của cán bộ, các Sở Tư pháp lại chuyển công văn đề nghị Bộ hướng dẫn.
Với những công văn kiểu này, Vụ Hành chính tư pháp đã chọn lọc và chỉ những vấn đề phức tạp Vụ mới có công văn trả lời. Còn những vấn đề đơn giản, hoặc đã có quy định trong văn bản, nhưng do địa phương không nghiên cứu, không tìm hiểu, thì Vụ không trả lời. Và, cũng chính vì việc hơi tý lại làm công văn xin ý kiến của Bộ, rồi lại chờ công văn trả lời, đã làm chậm thời gian giải quyết yêu cầu của đương sự, đồng thời gây quá tải cho Bộ trong công việc.
Muốn phỏng vấn, phải “gặp gỡ” cán bộ
Bên cạnh sự thụ động, máy móc, thì số cán bộ làm công tác thụ lý việc kết hôn có yếu tố nước ngoài có hành vi tiêu cực cũng không phải ít. Mặc dù, Nghị định 69 đã bỏ bớt một số loại giấy tờ như lý lịch cá nhân, bản án, quyết định toà án về việc ly hôn..., nhưng hiện tại, nhiều địa phương, cán bộ thụ lý vẫn cố tình yêu cầu hai bên kết hôn phải có giấy tờ theo quy định cũ của Nghị định 68, để qua đó sách nhiễu người dân.
Dựa vào bối cảnh hiện nay, Sở Tư pháp nhiều địa phương không mấy quan tâm tới việc phỏng vấn hai bên kết hôn nhằm ngăn chặn kết hôn qua môi giới, mà thực hiện một cách hình thức, chiếu lệ, các cán bộ hộ tịch đã lợi dụng để gây khó khăn. Muốn được xếp lịch phỏng vấn, hai bên kết hôn cần phải “gặp gỡ” cán bộ hộ tịch. Nếu không biết “quy định” này, cán bộ sẽ cố tình không xếp lịch phỏng vấn, để hai bên kết hôn phải chờ đợi, đặc biệt là người nước ngoài phải kéo dài thời gian ở Việt Nam để chờ đợi. Thậm chí, có nơi, cán bộ phỏng vấn còn móc nối với “cò” môi giới để đưa ra một kịch bản phỏng vấn cho suôn sẻ.
Trái với sự thờ ơ ở khâu phỏng vấn, tại nhiều Sở Tư pháp, việc yêu cầu xác minh của cơ quan công an lại sự quá ư cẩn thận. Mặc dù, theo quy định tại Nghị định 68, việc xác minh của cơ quan công an chỉ đặt ra khi xét thấy vấn đề xác minh thuộc cơ quan công an. Nhưng, nhiều địa phương, Sở Tư pháp đã đưa ra quy định yêu cầu tất cả các trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài đều phải gửi hồ sơ yêu cầu công an xác minh. Sự cẩn thận thái quá này cũng đã góp phần kéo dài thời gian giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn của hai bên nam nữ.
Định kỳ chuyển đổi vị trí công tác
Nói tới giải pháp khắc phục, theo ông Trần Thất, bên cạnh việc ưu tiên lựa chọn cán bộ chuẩn mực đạo đức, chuyên sâu nghiệp vụ, kiên quyết thuyên chuyển những cán bộ kém phẩm chất, thì các Sở Tư pháp phải thực hiện triệt để việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài theo quy định tại Nghị định 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi đối với cán bộ công chức viên chức. Mặt khác, thực tế giải quyết việc kết hôn có yếu tố nước ngoài cũng cho thấy nhiều cán bộ lãnh đạo có biểu hiện tiêu cực. Vì vậy, Nghị định 158 cũng cần phải sửa đổi, bổ sung theo hướng cán bộ lãnh đạo (trưởng, phó phòng hộ tịch) cũng phải được định kỳ chuyển đổi vị trí công tác.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các cơ quan tư pháp cũng không được xem nhẹ việc nghiêm khắc yêu cầu cán bộ tự trau dồi, nâng cao trình độ và phải có biện pháp đối với những cán bộ thụ động, máy móc trong xử lý công việc
Xuân Hoa
Việc nghiêm cấm hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới kết hôn hoặc lợi dụng việc môi giới kết hôn có yếu tố nước ngoài đã được các Nghị định 68 và Nghị định 125/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp đề cập tới. Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp dịch vụ môi giới hôn nhân vẫn tiếp tục hoạt động dưới nhiều hình thức trá hình, tinh vi để lẩn tránh pháp luật và có sự móc nối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động môi giới hôn nhân (vì luật pháp Hàn Quốc, Đài Loan cho phép cá nhân, tổ chức được hoạt động môi giới hôn nhân hợp pháp). Xử lý vấn đề này, hiện nay mới chỉ có thể áp dụng quy định của Nghị định 150/2005/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội với mức phạt tiền từ 1-2 triệu đồng Theo ông Trần Thất, biện pháp xử phạt như vậy là quá nhẹ, không đủ sức răn đe, ngăn chặn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa có được quy định hạn chế, ngăn cấm, hay biện pháp chế tài để xử lý những biến tướng của việc kết hôn có yếu tố nước ngoài như tình trạng phụ nữ tại các tỉnh phía Nam kết hôn với người nước ngoài vì lý do kinh tế một cách vội vã, thiếu suy nghĩ; ở các tỉnh biên giới phía bắc, phụ nữ vượt biên trái phép sang biên giới làm ăn, rồi chung sống như vợ chồng với công dân nước đó mà không đăng ký kết hôn; lợi dụng việc kết hôn để hợp lý hoá việc xuất cảnh ra nước ngoài.. |