Việt Nam có quá nhiều đầu mối
Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, một trong những vấn đề mà Việt Nam cần khắc phục, nếu muốn gia nhập Công ước Lahay là việc Việt Nam có quá nhiều đầu mối có thẩm quyền quyết định việc nuôi con nuôi. Luật Hôn nhân và gia đình quy định UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW thực hiện việc đăng ký kết hôn, nuôi con nuôi và giám hộ có yếu tố nước ngoài. Luật Tổ chức HĐND và UBND cho phép UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện là cơ quan chỉ đạo và kiểm tra việc tổ chức thực hiện biện pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Điều 94 của Luật này quy định UBND tỉnh tổ chức đăng ký, quản lý hộ tịch có yếu tố nước ngoài. Điều 35 Nghị định 83/1998/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký hộ tịch lại quy định UBND cấp xã nơi cư trú của người xin nhận nuôi con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi thực hiện việc đăng ký nhận nuôi con nuôi. Mới nhất, theo Điều 48 của Nghị định 68/2002/NĐ-CP thì Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn giúp Chủ tịch UBND tỉnh quyết định việc nuôi con nuôi quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết, theo thông lệ của các nước, Cơ quan TW về con nuôi quốc tế trong khuôn khổ Công ước Lahay thường là cơ quan Bộ thuộc Chính phủ, ở Hoa Kỳ là Bộ Ngoại giao, ở Thuỵ Điển là Bộ Tư pháp, ở Cộng hoà Liên bang Đức là Bộ Gia đình, Phụ lão, Phụ nữ và Thanh niên, ở Thuỵ Sỹ là Bộ Tư pháp liên bang... Công ước yêu cầu cả Nước nhận và Nước gốc phải chỉ định một cơ quan ở TW có đủ thẩm quyền làm đầu mối trong việc bảo đảm thực thi Công ước. “Việc chỉ định Cơ quan TW về con nuôi quốc tế là bắt buộc” – Thứ trưởng Hoàng Thế Liên khẳng định.
Chính danh xử lý hành vi tiêu cực
Công ước Lahay quy định, Cơ quan TW về con nuôi quốc tế có nghĩa vụ áp dụng trực tiếp hoặc với sự giúp đỡ của các cơ quan công quyền, tất cả các biện pháp thích hợp nhằm ngăn ngừa và xử lý việc thu lợi bất hợp pháp từ việc nuôi con nuôi, ngăn chặn tất cả các hành vi trái với mục đích của Công ước. Cơ quan này cũng có quyền thu thập, lưu giữ và trao đổi thông tin liên quan đến trẻ em và cha mẹ nuôi tương lai nhằm thực hiện việc nuôi con nuôi, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy thủ tục cho nhận con nuôi, thúc đẩy việc phát triển ở quốc gia mình các dịch vụ tư vấn về nuôi con nuôi và sau khi cho nhận con nuôi; trao đổi các báo cáo đánh giá kinh nghiệm về lĩnh vực con nuôi nước ngoài. Đây là một trong những quy định mà theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật, nếu Việt Nam áp dụng, sẽ hạn chế rất nhiều sơ hở, bất cập dẫn đến tình trạng tiêu cực, chạy theo lợi ích vật chất, gây bức xúc trong dư luận về hoạt động nuôi con nuôi quốc tế. Muốn đạt được điều này, Việt Nam cần có thêm thủ tục chỉ định một cơ quan ở TW có thẩm quyền, làm đầu mối trong việc bảo đảm thực hiện Công ước. “Cục Con nuôi quốc tế, thuộc Bộ Tư pháp hiện nay được coi là Cơ quan TW về con nuôi quốc tế của Việt Nam theo các Hiệp định hợp tác song phương về con nuôi giữa Việt Nam với các nước. Tuy nhiên, trong khuôn khổ Công ước Lahay và theo thông lệ của các nước thì khi ký/phê chuẩn Công ước, Việt Nam cần chỉ định một cơ quan TW ở cấp Bộ và thông báo chính thức về cơ quan này” – Thứ trưởng Hoàng Thế Liên giải thích. Hiện tại, Chính phủ đã dự kiến chỉ định Bộ Tư pháp làm Cơ quan TW về con nuôi quốc tế của Việt Nam trong khuôn khổ Công ước Lahay. Cục Con nuôi quốc tế thuộc Bộ Tư pháp sẽ là đầu mối liên hệ của Cơ quan TW. Nếu được Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhất trí và Chủ tịch nước đồng ý, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Ngoại giao thông báo chính thức cho Uỷ ban thường trực Công ước (bằng Công hàm ngoại giao) về vấn đề này khi ký chính thức.
Có thể thành lập Tổ chức được uỷ quyền
Cũng theo quy định của Công ước Lahay thì các quốc gia thành viên có thể thành lập hoặc cho phép tổ chức trong nước hoạt động trong lĩnh vực nuôi con nuôi (gọi là tổ chức được uỷ quyền). Tổ chức này có nghĩa vụ hoạt động vì mục đích phi lợi nhuận, không vụ lợi theo những điều kiện do pháp luật các nước hữu quan quy định, chịu sự lãnh đạo và điều hành của những người đủ tiêu chuẩn về đạo đức, được đào tạo hoặc có kinh nghiệm để làm việc trong lĩnh vực con nuôi quốc tế. Tổ chức được uỷ quyền chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền về cơ cấu, hoạt động và tình trạng tài chính, đồng thời, chỉ được hoạt động ở quốc gia thành viên khác, nếu được cơ quan có thẩm quyền của cả hai quốc gia liên quan cho phép. Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho biết: “Pháp luật Việt Nam hiện không có quy định cấm và cũng chưa cho phép thành lập tổ chức trong nước hoạt động trong lĩnh vực nuôi con nuôi. Toàn bộ các công việc trong quá trình giải quyết nuôi con nuôi, cả trong nước và ngoài nước hiện nay đều do các cơ quan nhà nước ở TW và địa phương thực hiện”. Bởi vậy, nếu Việt Nam gia nhập Công ước Lahay, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu để có thể thành lập tổ chức hoạt động nhân đạo, phi lợi nhuận trong lĩnh vực nuôi con nuôi tại Việt Nam.
Hồng Thuý
Theo quy định tại Điều 46 của Công ước Lahay, Công ước sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam vào ngày đầu tiên của tháng tiếp theo sau thời hạn 3 tháng, kể từ khi Việt Nam nộp văn kiện lưu chiểu về phê chuẩn Công ước. Có nghĩa là, nếu Việt Nam nộp văn kiện phê chuẩn Công ước Lahay vào ngày 2/1/2009 thì kể từ ngày 2/4/2009, Công ước bắt đầu có hiệu lực đối với Việt Nam. 10 nước đã ký kết Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi quốc tế với Việt Nam đều là thành viên của Công ước Lahay: Pháp, Đan Mạch, Ý, Ailen, Thuỵ Điển, Bỉ, Hoa Kỳ, Canada, Thuỵ Sỹ, Tây Ban Nha. |