Luật có bốn điều riêng quy định về chi phí trong từng lĩnh vực cụ thể: dân sự (Điều 16), về hình sự (Điều 31); về dẫn độ (Điều 48) và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù (Điều 60). Chi phí thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù thì do nước yêu cầu chi trả; nếu Việt Nam là nước yêu cầu sẽ do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Riêng đối với yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự, Điều 16 của Luật quy định:
Điều 16. Chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự
1. Chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và nước ngoài do nước yêu cầu chi trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Cá nhân, tổ chức Việt Nam yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết vụ việc dân sự làm phát sinh yêu cầu uỷ thác tư pháp ra nước ngoài thì phải trả chi phí theo quy định của Việt Nam và của nước được yêu cầu. Trong thời hạn mười ngày làm việc, trước ngày quyết định lập hồ sơ uỷ thác tư pháp, cơ quan lập hồ sơ phải thông báo cho cá nhân, tổ chức về chi phí thực hiện uỷ thác tư pháp. Hồ sơ uỷ thác tư pháp chỉ được lập và gửi ra nước ngoài sau khi cá nhân, tổ chức đã nộp chi phí thực hiện uỷ thác tư pháp theo quy định.
Công dân Việt Nam thuộc trường hợp được trợ giúp pháp lý thì có thể được xem xét hỗ trợ chi phí thực hiện uỷ thác tư pháp theo quy định của Chính phủ.
Theo quy định này thì tổ chức, cá nhân Việt Nam có yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự phải chịu hoàn toàn chi phí. Bộ Tư pháp đang trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Tương trợ tư pháp. Dự thảo Nghị định quy định tổng quát chế độ thu nộp chi phí tương trợ tư pháp về dân sự, còn việc quy định cụ thể chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng các chi phí đó sẽ giao cho Bộ Tài chính quy định cụ thể chi tiết thi hành. Ngoài khoản chi phí phải nộp đó, tổ chức và cá nhân có yêu cầu còn phải nộp thêm khoản phí do phía nước ngoài nếu nước ngoài yêu cầu. Thực tiễn tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Việt Nam với Ôxtrâylia, Cơ quan có thẩm quyền của các nước đó chỉ thực hiện các uỷ thác tư pháp khi phía Việt Nam nộp trước một khoản tiền nhất định tại một Ngân hàng theo chỉ định của các cơ quan đó. Nhiều uỷ thác về dân sự của Việt Nam ra nước ngoài đã, đang và sẽ bị tắc do phía Việt Nam không nộp hoặc không thể có đủ khả năng để nộp khoản tiền chi phí đó. Sự gia tăng số lượng các uỷ thác tư pháp về dân sự không cho phép Nhà nước Việt Nam tiếp tục bao cấp các loại chi phí này.
Tuy nhiên, đoạn 2, khoản 2 Điều này cũng quy định Công dân Việt Nam thuộc trường hợp được trợ giúp pháp lý thì có thể được xem xét hỗ trợ chi phí thực hiện uỷ thác tư pháp theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, theo quy định này, cá nhân, tổ chức Việt Nam yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết vụ việc dân sự làm phát sinh yêu cầu uỷ thác tư pháp ra nước ngoài có thể phải chịu hai loại chi phí, một loại theo quy định của Việt Nam và một loại theo yêu cầu của phía nước ngoài có liên quan.
Khánh Vân