Doanh nghiệp chọn thuê đất: nhà nước chịu thiệt
Đối với việc xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hoá, ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của pháp luật, trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm thì giá trị quyền sử dụng đất không tính vào giá trị doanh nghiệp. Riêng các doanh nghiệp cổ phần hoá theo Nghị định số 109/2007/NĐ-CP có diện tích đất ở các vị trí thuận lợi thuộc loại đất đô thị thì phải tính thêm giá trị lợi thế về vị trí địa lý vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá. Trường hợp thuê đất trả tiền một lần hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất thì phải tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp trên cơ sở giá đất sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường. “Trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp cổ phần hoá đều lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hàng năm, không lựa chọn hình thức giao đất (trừ một số doanh nghiệp kinh doanh về bất động sản)”. Đối với doanh nghiệp cổ phần hoá lựa chọn hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, giá đất làm căn cứ để xác định giá trị quyền sử dụng đất là giá do UBND tỉnh, thành phố công bố vào ngày mùng 1 tháng1 hàng năm. Khó khăn hiện nay là khung giá đất do UBND tỉnh, thành phố xác định không ban hành kịp thời và không sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường của các diện tích đất sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh nên phần nào đã ảnh hưởng đến việc xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá.
Phân tích về cách lựa chọn này của doanh nghiệp, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát cho rằng: “Với hình thức thuê đất, Công ty cổ phần được lợi nếu giá thuê thấp, sẽ nảy sinh việc mở rộng phạm vi kinh doanh bất động sản, hoặc cho thuê để thu lại một khoản lợi nhuận xuất phát từ chênh lệch giá đất thuê của Nhà nước và giá Công ty cho thuê. Lợi nhuận thuộc về Công ty nhưng Nhà nước bị thua thiệt. Trong thực tế phần lớn giá thuê đất đều thấp hơn giá thị trường”. Ông Phùng Quốc Hiển cũng nhận định: “Vốn nhà nước trong các doanh nghiệp cổ phần hoá bằng hình thức thuê đất sẽ thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp cổ phần hoá lựa chọn hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất. Đó cũng là một điểm cho thấy lợi thế của nhà nước trong cổ phần hoá không được phát huy một cách đầy đủ. Do giá thuê thấp sẽ không thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng đất có hiệu quả”.
Đa số ý kiến thảo luận tại phiên họp cho rằng nếu giá trị quyền sử dụng đất được tính đầy đủ thì buộc trong phương án cổ phần hoá doanh nghiệp phải xác định chính xác nhu cầu sử dụng đất và nhà nước sẽ thu hồi được diện tích đất sử dụng lãng phí, tránh được sự thất thoát về đất đai hoặc sử dụng kém hiệu quả sau cổ phần hoá.
Phần lớn người lao động “Bán lúa non” cổ phần
Một vấn đề khác đang bộc lộ rất nhiều bất cập trong quá trình cổ phần hoá DNNN là chính sách mua bán cổ phần. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, chính sách bán cổ phần ưu đãi cho người lao động được thực hiện một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, một bộ phận trong số họ đã bán lại cổ phần của mình sau cổ phần hoá. Trưởng đoàn giám sát Phùng Quốc Hiển khẳng định, kết quả giám sát cho thấy, một bộ phận người lao động, nhất là những người lao động nghèo do không đủ khả năng về tài chính để mua hết số cổ phần thường bán “bán lúa non” quyền mua cổ phần ưu đãi đó cho các đối tượng đầu tư khác ở trong hoặc ngoài doanh nghiệp để hưởng chênh lệch. Đa phần doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá đều không nắm được chính xác tỷ lệ cổ phần của người lao động trong doanh nghiệp còn nắm giữ. Xu thế chung là cổ phần của người lao động trong doanh nghiệp giảm, phần lớn được chuyển nhượng lại cho các đối tượng khác.
Bây giờ xử lý những hạn chế này như thế nào? Đoàn giám sát và các thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội kiến nghị: “Do quá trình cổ phần hoá DNNN còn kéo dài và phần vốn của Nhà nước tại các DN chưa cổ phần hoá còn rất lớn, khoảng 410 nghìn tỷ đồng, vì vậy, cần thiết phải ban hành Luật cổ phần hoá hoặc đưa vào nội dung của Luật quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào kinh doanh”. Đoàn giám sát cũng đề nghị tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung Luật đất đai, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật chứng khoán,... để hoàn thiện các cơ chế xử lý đất đai, mua bán cổ phần, quản lý tài chính DNNN và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, tăng cường giám sát việc quản lý, sử dụng đất trong các DNNN cổ phần hoá, hiệu quả quản lý sử dụng vốn Nhà nước tại các Công ty cổ phần gắn với việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN cổ phần hoá. Giao cho Kiểm toán Nhà nước nghiên cứu tham gia kiểm toán quá trình xử lý tài chính và xác định giá trị DNNN trong cổ phần hoá.
Hôm nay, Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ nghe báo cáo và thảo luận về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân
Hồng Thuý
Ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, tính đến 30/6/2008, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 5.041 doanh nghiệp, trong đó: cổ phần hoá 3.786 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp. Trong số 3.786 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp được cổ phần hoá thì doanh nghiệp thuộc địa phương chiếm 58,1%; doanh nghiệp thuộc Bộ chiếm 30,3%; doanh nghiệp thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty 91 chiếm 11,6 %. Tổng giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nói trên khi cổ phần hoá là 78.070 tỷ đồng. Về tỷ lệ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã được cổ phần hoá so với tổng số vốn nhà nước tại các Tập đoàn, tổng công ty và các công ty nhà nước độc lập đạt 17,8%. “Tỷ lệ này không cao, mặc dù số lượng doanh nghiệp cổ phần hoá nhiều, vì trong những năm gần đây vốn nhà nước tại các công ty nhà nước (đặc biệt là các Tập đoàn, tổng công ty) đã tăng lên đáng kể từ nguồn lợi nhuận sau thuế và thặng dư bán cổ phần của các công ty thành viên” – ông Trần Xuân Hà nhận xét. |