Về mức phạt
Theo Nghị định, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất không nằm trong danh mục hóa chất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; sử dụng nguyên liệu sản xuất, kinh doanh hóa chất không rõ nguồn gốc.
Hành vi xử lý, thải bỏ hoá chất tồn dư, chất thải và dụng cụ chứa hóa chất chưa triệt để theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường sẽ bị phạt tiền từ 25 - 35 triệu đồng.
Đặc biệt, tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về xử lý hóa chất bị thải bỏ trong sử dụng, để hoá chất thải bỏ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì bị phạt từ 70 - 80 triệu đồng.
Ngoài hình phạt chính là phạt cảnh cáo và phạt tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung (như tịch thu tang vật vi phạm, tước quyền sử dụng giấy phép...) và các biện pháp khắc phục hậu quả (như buộc thực hiện việc xử lý, thải bỏ hóa chất tồn dư, chất thải và dụng cụ chứa hoá chất theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường...).
Về thẩm quyền xử phạt
Chủ tịch UBND các cấp và Thanh tra chuyên ngành Công Thương là các cơ quan có thẩm quyền xử phạt VPHC trong hoạt động hóa chất. Ngoài ra, các lực lượng khác như Công an, Hải quan, Quân đội và Quản lý thị trường, Thanh tra về an toàn lao động - vệ sinh lao động khi phát hiện các hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền và địa bàn quản lý của mình cũng có quyền xử phạt.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt. Sau thời hạn đó nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2009 và thay thế Nghị định số 31/2007/NĐ-CP ngày 02/03/2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hoá chất nguy hiểm./.
Thành Công