Giới thiệu những quy định mới về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh

Thực hiện chủ trương xã hội hoá một số công việc THADS đã được nêu ra tại Nghị quyết số 49-NQ/TW đó là: “Từng bước thực hiện việc xã hội hoá và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án”; “nghiên cứu chế định Thừa phát lại (Thừa hành viên); trước mắt có thể tổ chức thí điểm tại một số địa phương, sau vài năm trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo”, cho đến nay về cơ bản chủ trương này đã được thể chế hóa trong các văn bản pháp luật để triển khai thực hiện trên thực tế.

Trước tiên phải kể đến đó là Nghị quyết số 24/2008/QH12 về việc thi hành Luật THADS đã quy định: "Để triển khai thực hiện chủ trương xã hội hoá một số công việc có liên quan đến THADS, giao Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL) (Thừa hành viên) tại một số địa phương. Việc thí điểm được thực hiện từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành đến ngày 01/7/2012. Chính phủ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định". Trên cơ sở quy định tại Nghị quyết số 24/2008/QH12, ngày 19/02/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 224/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án: “Thực hiện thí điểm chế định TPL tại TP. Hồ Chí Minh”. Tiếp theo đó, ngày 24/7/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của TPL thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Nghị định số 61/2009/NĐ-CP). Để kịp thời triển khai thực hiện thí điểm chế định TPL tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 30/9/2009, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 03/2009/TT-BTP hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/11/2009.

Do TPL là một khái niệm còn rất mới mẻ cả trong các văn bản pháp luật cũng như trên thực tế, nên để cung cấp một cách có hệ thống, tạo thuận lợi cho việc theo dõi, nắm bắt và tìm hiểu về mô hình tổ chức và hoạt động của TPL sẽ được triển khai thực hiện thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 01/7/2009 đến ngày 01/7/2012, dưới đây chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu các quy định mới cơ bản về chế định TPL, bao gồm:

- Nhiệm vụ, quyền hạn; phạm vi thực hiện công việc của TPL;

- Quy định mới về tiêu chuẩn; trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm TPL;

- Điều kiện, thủ tục thành lập, đăng ký hoạt động của Văn phòng TPL;

- Thủ tục thực hiện tống đạt văn bản của cơ quan THADS và của Tòa án của TPL;

- Thủ tục lập vi bằng của TPL;

- Thủ tục xác minh điều kiện thi hành án của TPL;

- Thủ tục trực tiếp thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự của TPL;

- Khiếu nại, tố cáo và kiểm sát hoạt động của TPL;

- Thẻ, trang phục của TPL.

 Nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi thực hiện công việc của TPL (Phần I)

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP thì TPL là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về THADS, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của Nghị định và pháp luật có liên quan. Nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi thực hiện công việc của TPL được quy định tại Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, cụ thể như sau:

1. Nhiệm vụ, quyền hạn của TPL

Điều 5 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định TPL có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Trung thực, khách quan khi thực hiện công việc; nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; quy chế tổ chức, hoạt động và đạo đức nghề nghiệp TPL; chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện công việc của mình.

- Khi thực hiện công việc về THADS, TPL có quyền như CHV quy định tại Điều 20 của Luật THADS, trừ khoản 9, khoản 10 và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể đó là:

+ Kịp thời tổ chức thi hành vụ việc được phân công; ra các quyết định về thi hành án theo thẩm quyền.

+ Thi hành đúng nội dung bản án, quyết định; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; thực hiện nghiêm chỉnh chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp CHV[1].

+ Triệu tập đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết việc thi hành án.

+ Xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan xử lý vật chứng, tài sản và những việc khác liên quan đến thi hành án.

+ Quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án; lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án; thu giữ tài sản thi hành án.

+ Yêu cầu cơ quan Công an tạm giữ người chống đối việc thi hành án theo quy định của pháp luật.

+ Lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm.

+ Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền, tài sản đã chi trả cho đương sự không đúng quy định của pháp luật, thu phí thi hành án và các khoản phải nộp khác.

Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, CHV phải tuân theo pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án và được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín.

- Riêng việc cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng bảo vệ, áp dụng quy định tại Điều 40 của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, cụ thể:

+ Trong trường hợp cưỡng chế thi hành án cần huy động lực lượng bảo vệ, văn phòng TPL phải lập kế hoạch cưỡng chế; có văn bản gửi Thủ trưởng Cơ quan THADS TP. Hồ Chí Minh, kèm theo hồ sơ thi hành án để Thủ trưởng Cơ quan THADS TP. Hồ Chí Minh xem xét, ra quyết định cưỡng chế thi hành án và phê duyệt kế hoạch cưỡng chế thi hành án.

+ Trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của văn phòng TPL, Thủ trưởng Cơ quan THADS TP. Hồ Chí Minh phải ra quyết định cưỡng chế và phê duyệt kế hoạch cưỡng chế thi hành án. Đối với đề nghị cần áp dụng biện pháp cưỡng chế ngay để bảo đảm thi hành án, thì Thủ trưởng Cơ quan THADS TP. Hồ Chí Minh phải có ý kiến trong thời hạn 1 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của văn phòng TPL. Trường hợp không phê duyệt phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

+ Sau khi được phê duyệt, TPL thực hiện việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật THADS và quy định của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP này về cưỡng chế thi hành án.

Ngoài ra, để bảo đảm duy trì hoạt động của Văn phòng TPL, Điều 7 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định TPL được thu các loại chi phí phục vụ cho việc thực hiện công việc của TPL. Chi phí thực hiện công việc của TPL phải được ghi nhận trong hợp đồng giữa văn phòng TPL và người yêu cầu, cụ thể bao gồm các loại chi phí sau đây:

- Chi phí lập vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án do người yêu cầu và văn phòng TPL thỏa thuận theo công việc thực hiện hoặc theo giờ làm việc.

Văn phòng TPL và người yêu cầu có thể thỏa thuận thêm về các khoản chi phí thực tế phát sinh gồm: chi phí đi lại; phí dịch vụ cho các cơ quan cung cấp thông tin nếu có; tiền bồi dưỡng người làm chứng, người tham gia hoặc chi phí khác nếu có.

- Chi phí tống đạt do Tòa án, Cơ quan THADS thỏa thuận với văn phòng TPL:

+ Đối với việc tống đạt mà theo quy định của pháp luật đương sự phải chịu chi phí thì Tòa án, Cơ quan THADS thu và chuyển số tiền đó cho văn phòng TPL.

+ Đối với việc tống đạt mà theo quy định của pháp luật ngân sách nhà nước chịu thì Tòa án, Cơ quan THADS chuyển cho văn phòng TPL.

- Đối với việc trực tiếp tổ chức thi hành án, văn phòng TPL được thu chi phí theo mức phí THADS theo quy định của pháp luật về phí THADS.

Những vụ việc phức tạp, văn phòng TPL và bên yêu cầu thi hành án có thể thỏa thuận về mức chi phí thực hiện công việc.

- Trường hợp người được thi hành án thuộc diện được miễn, giảm phí thi hành án hoặc người phải thi hành án được miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật thì Trưởng văn phòng TPL lập hồ sơ đề nghị Thủ trưởng Cơ quan THADS thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định miễn, giảm để làm thủ tục hoàn trả khoản tiền được miễn, giảm từ ngân sách nhà nước cho văn phòng TPL.

 TPL chịu chi phí cưỡng chế thi hành án nếu việc cưỡng chế phải thực hiện lại do lỗi của TPL. Người được thi hành án và TPL có thể thỏa thuận về việc hỗ trợ thêm khoản chi phí cưỡng chế để tổ chức việc cưỡng chế thi hành án.

2. Phạm vi thực hiện công việc của TPL

Điều 3 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định bốn loại công việc mà TPL được làm, bao gồm:

- Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan THADS. Tống đạt là việc thông báo, giao nhận các văn bản của Tòa án và Cơ quan THADS do TPL thực hiện theo quy định của pháp luật.

- Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Vi bằng là văn bản do TPL lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.

- Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự.

- Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. TPL không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan THADS chủ động ra quyết định thi hành án.

Điều 6 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định những công việc TPL không được làm, bao gồm:

- Không được tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình, trừ trường hợp pháp luật cho phép.

- TPL không được đòi hỏi bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng.

- Trong khi thực thi nhiệm vụ của mình, TPL không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của TPL, của vợ hoặc chồng của TPL; cháu ruột mà TPL là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.

- Các công việc bị cấm khác theo quy định của pháp luật. (Còn nữa).

Nguyễn Quang Minh


[1] Xem thêm Điều 21 Luật THADS quy định về những việc CHV không được làm.