1. Quy định chung
Nghị định này quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, Nghị định lại không áp dụng đối với gỗ và các lâm sản khác từ nước ngoài nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam (kể cả trường hợp lô hàng gỗ nhập khẩu hợp pháp nhưng khi kiểm tra có sự chênh lệch về kích thước, khối lượng)
Đối tượng áp dụng của Nghị định này là các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài có hành vi vô ý hoặc cố ý vi phạm các quy định của Nhà nước về lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản nhưng chưa gây thiệt hại hoặc đã gây thiệt hại đến rừng, lâm sản, môi trường nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự
Nghị định cũng đã liệt kê những hành vi vi phạm không xử phạt vi phạm hành chính mà phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người vi phạm phải chịu một trong các hình phạt sau: cảnh cáo và phạt tiền. Đồng thời, Nghị định cũng quy định các biện pháp khắc phục hậu quả
2. Các hành vi vi phạm, hình thức và mức xử phạt
Nghị định đã quy định cụ thể các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản với hình thức và khung mức tương ứng. Mức phạt tiền thấp nhất là 100.000 đồng và cao nhất là 500.000.000 đồng. Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
3. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định này thuộc về Kiểm lâm và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. Nghị đinh cũng quy định về trường hợp ủy quyền xử phạt, xác định thẩm quyền xử phạt, giải quyết những trường hợp vượt quá thẩm quyền xử phạt xử phạt vi phạm hành chính
4. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn
Nghị định đã dành một chương quy định về nội dung này như là: khám người, tạm giữ người theo thủ tục hành chính, khám phương tiện vận tải, đồ vật, tạm giữ phương tiện, tang vật vi phạm hành chính…
5. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính và thi hành quyết định xử phạt.
Trong chương này, Nghị định đã quy định các thủ tục xử phạt vi phạm hành chính như: đình chỉ hành vi vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính theo thủ tục đơn giản, lập biên bản về vi phạm hành chính…. Đồng thời những quy định về thi hành quyết định xử phạt cũng được quy định cụ thể trong Nghị định.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2010 và thay thế Nghị định số 159/2007/NĐ-CP ngày 30/10/2007 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Linh Tâm