1. Phạm vi quản lý lý lịch tư pháp
Phạm vi quản lý lý lịch tư pháp là những nội dung mà lý lịch tư pháp cần ghi nhớ để quản lý là nội dung gì, thuộc phạm vi nào. Xác định phạm vi quản lý lý lịch tư pháp là vấn đề hết sức quan trọng trong việc xây dựng Dự thảo Luật lý lịch tư pháp vì vấn đề này có ý nghĩa quyết định toàn bộ nội dung, quy mô và cơ chế quản lý lý lịch tư pháp.
Trong quá trình soạn thảo Dự án Luật, về cơ bản có hai loại ý kiến khác nhau về phạm vi quản lý lý lịch tư pháp. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng phạm vi quản lý lý lịch tư pháp chỉ giới hạn ở những nội dung về án tích; loại ý kiến thứ hai cho rằng cần mở rộng phạm vi quản lý lý lịch tư pháp bao gồm cả tiền sự, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp...
Phạm vi quản lý lý lịch tư pháp theo quy định tại Dự thảo Luật chỉ giới hạn ở nội dung về án tích (không bao gồm tiền sự hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp...). Việc giới hạn phạm vi quản lý lý lịch tư pháp như vậy là xuất phát từ tình hình thực tế của nước ta, có tham khảo kinh nghiệm các nước và nhằm bảo đảm tính khả thi của Luật.
2. Cung cấp, tiếp nhận thông tin lý lịch tư pháp
Để bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, kịp thời của thông tin lý lịch tư pháp, từng bước hình thành Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp độc lập, phục vụ cho công tác quản lý lý lịch tư pháp, dự thảo Luật quy định cụ thể trách nhiệm và thời hạn của các cơ quan, tổ chức có liên quan cũng như trình tự, thủ tục trong việc cung cấp, tiếp nhận thông tin lý lịch tư pháp. Đây là yêu cầu rất quan trọng nhằm khắc phục tình trạng phân tán thông tin lý lịch tư pháp và bất cập trong công tác quản lý lý lịch hiện nay.
3. Bản lý lịch tư pháp của cá nhân
Bản lý lịch tư pháp của cá nhân gồm những nội dung cơ bản về án tích và tình trạng thi hành án của người bị kết án. Yêu cầu cơ bản của thông tin về lý lịch tư pháp của cá nhân là phải được lưu trữ trong trạng thái “động”, vì vậy việc cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp được quy định cụ thể, chi tiết trong dự thảo Luật bao gồm: việc cập nhật thông tin trong trường hợp có quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm; cập nhật thông tin của những bản án tiếp theo; cập nhật thông tin về quá trình thi hành án; việc xoá bỏ thông tin trong Bản lý lịch tư pháp của người đã chết và khi một tội phạm được luật xoá bỏ theo quy định của Bộ luật Hình sự.
4. Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp
Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật là tạo cơ sở pháp lý để xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp theo đúng nguyên tắc của hoạt động này, theo hướng chuyên nghiệp hoá và từng bước hiện đại hoá. Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cần được xây dựng ngay từ bây giờ để đến năm 2020 công tác này cơ bản mới đi vào nền nếp.
Cơ sở dữ liệu có nội dung gần với dữ liệu lý lịch tư pháp là hệ thống tàng thư căn cước can phạm của ngành Công an (một số nước còn gọi là dữ liệu tình nghi tội phạm) lưu trữ những thông tin về nhân thân (căn cước, lai lịch), tiền án, “tiền sự”, thông tin diễn biến của những đối tượng bị khởi tố và nhiều thông tin khác thu thập được từ hoạt động nghiệp vụ. Thực tiễn công tác cũng như qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước cho thấy sự phân biệt giữa tàng thư căn cước can phạm và dữ liệu lý lịch tư pháp là rất rõ ràng ở những khía cạnh cơ bản về nội dung thông tin, mục đích sử dụng và chế độ quản lý, khai thác thông tin. Hai hệ thống dữ liệu này không phải là một và không thể thay thế cho nhau.
5. Cấp Phiếu lý lịch tư pháp
Theo quy định tại dự thảo Luật, Phiếu lý lịch tư pháp gồm hai loại: Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và Phiếu lý lịch tư pháp số 2. Phiếu lý lịch tư pháp số 1 được cấp cho cá nhân có yêu cầu. Án tích đã được xoá thì không ghi vào Phiếu lý lịch tư pháp số 1. Phiếu lý lịch tư pháp số 2 được cấp cho các cơ quan, tổ chức và cơ quan tiến hành tố tụng. Trường hợp một người đã bị kết án thì Phiếu lý lịch tư pháp số 2 thì ghi tất cả các án tích (bao gồm án tích chưa được xóa và án tích đã được xoá). Để đảm bảo tính minh bạch và quyền dân chủ của cá nhân, Dự thảo Luật quy định Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cũng được cấp theo yêu cầu trực tiếp của bản thân người có lý lịch tư pháp mỗi năm một lần, để họ có thể biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.
6. Vấn đề xoá án tích
Theo quy định của Bộ luật Hình sự thì việc xoá án tích được chia làm hai loại: xoá án tích đương nhiên và xoá án tích do Toà án quyết định. Người đã được xoá án tích được coi như chưa can án. Thủ tục xoá án tích trong cả hai trường hợp hiện còn rất phức tạp. Hơn nữa việc xoá án tích đương nhiên được chứng minh trực tiếp bằng Giấy chứng nhận xoá án tích của Toà án càng làm làm giảm ý nghĩa của việc xoá án tích. Bởi vì: các cơ quan, tổ chức cũng như cộng đồng biết rằng về thực chất đương sự là người có án. Nếu việc xoá án tích được chứng minh bằng Phiếu lý lịch tư pháp thì trong Phiếu lý lịch tư pháp số 1 của đương sự sẽ được ghi là “không có án tích” nên không ai biết là đương sự đã từng can án hay chưa. Cách làm này rất có tác dụng trong việc tạo điều kiện cho người bị kết án tái hoà nhập cộng đồng, không bị mặc cảm bởi quá khứ tội lỗi của mình và không bị cộng đồng phân biệt đối xử. Với tinh thần đó, dự thảo Luật quy định trong trường hợp người bị kết án đã đủ điều kiện được đương nhiên xoá án tích thì Trung tâm lý lịch tư pháp chủ động thực hiện việc xoá án tích trong Bản lý lịch tư pháp của đương sự, không cần phải làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận của Toà án như hiện nay. Đối với trường hợp được xoá án tích do Toà án quyết định thì Trung tâm lý lịch tư pháp căn cứ vào quyết định của Toà án để thực hiện xoá án tích trong Bản lý lịch tư pháp của đương sự.
Đỗ Thuý Lan - Vụ Hành chính tư pháp