Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 tại Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng xã hội nông thôn ổn định, hòa thuận, dân chủ, có đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân và xác định rõ giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 kèm theo Chương trình hành động, trong đó xác định nhiệm vụ xây dựng “Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới” của Chính phủ, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chương trình hành động đã đề ra mục tiêu, yêu cầu cụ thể, xác định những nhiệm vụ chủ yếu của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong tổ chức triển khai, thực hiện Chương trình căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước được giao.
Ngày 16/4/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 491/2009/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới. Ngày 04/6/2010 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020 với mục tiêu chung là “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Như vậy, Đảng ta xác định người dân ở địa bàn nông thôn là trung tâm, là đối tượng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nhận định rõ việc xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Do đó, Bộ Tư pháp nói riêng và ngành Tư pháp nói chung cũng xác định nhiệm vụ của mình trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Kể từ khi ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho đến nay, Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp đã góp phần vào việc thực hiện thành công Chương trình mục tiêu thông qua việc luôn bám sát, quán triệt, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới và các văn bản của địa phương ban hành có nội dung liên quan đến xây dựng nông thôn mới. Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 2611/KH-BTP ngày 03/4/2012 về việc phát động và tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” trên cơ sở hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” theo Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Các cơ quan Tư pháp địa phương cũng ban hành các kế hoạch cụ thể, đề ra các mục tiêu và các biện pháp tổ chức triển khai thực hiện các lĩnh vực công tác tư pháp liên quan mật thiết đến việc xây dựng đời sống dân cư khu vực nông thôn, đặc biệt là công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, trợ giúp pháp lý…và việc củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ Tư pháp – Hộ tịch ở cấp xã nhằm góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới “dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao”, đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Bước sang giai đoạn 2016 – 2020, trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng và đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo Hiến pháp năm 2013, vấn đề cải cách tư pháp, cải cách hành chính; xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất và thực thi công khai đòi hỏi Đảng và Nhà nước quan tâm, nhất là việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thi hành công vụ của chính quyền các cấp ở địa phương, đặc biệt là chính quyền cấp xã cũng như có chính sách bảo đảm cho người dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện các quyền con người, quyền công dân, quyền tiếp cận thông tin, tiếp cận pháp luật. Nhận thức đúng đắn việc xây dựng nông thôn mới không phải là một dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đơn thuần mà là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị, pháp luật và an ninh quốc phòng, ngày 16/8/2016 Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Quyết định số 1600/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 với mục tiêu tổng quát Xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững”. Bộ Tư pháp được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụđánh giá, công nhận, xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân” trong nội dung thành phần về nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới; cải thiện và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân của Chương trình. Ngày 17/10/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1980/QĐ-TTg về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, theo đó, Bộ Tư pháp được giao chủ trì, hướng dẫn tiêu chí thành phần 18.5 về “Xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định”. Lần đầu tiên chuẩn tiếp cận pháp luật được xác định và trở thành một trong nội dung của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020. Đây là một trong 10 sự kiện nổi bật của Ngành Tư pháp năm 2016 được ghi nhận tại Quyết định số 2700/QĐ-BTP ngày 31/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc phê duyệt và công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2016 của Ngành Tư pháp. Điều đó có nghĩa là kết quả xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là tiêu chí đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới. Việc bổ sung tiêu chí tiếp cận pháp luật là một nội dung thành phần của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm gắn kết, thực hiện toàn diện các mục tiêu, nội dung xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân tại cơ sở, nâng cao nhận thức pháp luật, giáo dục ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật; bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền xã; đáp ứng yêu cầu tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật, khẳng định vai trò của pháp luật và của ngành Tư pháp trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thực hiện Quyết định số 1730/QĐ-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch số 2611/KH-BTP ngày 03/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc phát động và tổ chức thực hiện phong trào “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai phong trào giai đoạn 2012 - 2015, ngày 31/10/2016, Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 2288/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 – 2020. Một trong những mục tiêu của Kế hoạch là nhằm phát huy sức mạnh của toàn ngành Tư pháp để tiếp tục thi đua tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ hoạt động tư pháp, nhất là các hoạt động phục vụ nông dân, nông thôn và một số hoạt động hỗ trợ khác giúp cải thiện và nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân trên địa bàn nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, qua đó, góp phần chung sức cùng cả nước thực hiện thắng lợi chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước.
Triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg và Quyết định số 1980/QĐ-TTg, Bộ Tư pháp đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó quy định về các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, nội dung xây dựng, thẩm quyền, quy trình và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật là căn cứ để xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới có tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích và nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân, thúc đẩy thực hiện toàn diện mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân mà Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới đề ra. Trên cơ sở các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28/7/2017, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 07/2017/TT-BTP quy định điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và một số nội dung về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Theo đó, việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện dựa trên 05 tiêu chí thành phần và 35 chỉ tiêu với tổng số điểm là 100 điểm. Các tiêu chí, chỉ tiêu này là “chuẩn mực” được sử dụng để đánh giá kết quả xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, tiếp cận pháp luật của tổ chức, cá nhân và xem xét, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được hiểu là việc chính quyền cấp xã đáp ứng đủ các điều kiện trong việc thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật sau: Thứ nhất, tiêu chí “Bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật” (15 điểm) với 03 chỉ tiêu; Thứ hai, tiêu chí “Thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Ủy ban  nhân dân cấp xã” với 5 chỉ tiêu (30 điểm); Thứ ba, tiêu chí “Phổ biến, giáo dục pháp luật” với 9 chỉ tiêu (25 điểm); Thứ tư, tiêu chí “Hòa giải ở cơ sở” với 3 chỉ tiêu (10 điểm); Thứ năm, tiêu chí “Thực hiện dân chủ ở cơ sở” với 5 chỉ tiêu (20 điểm).
 Có thể nói rằng, việc triển khai nhiệm vụ đánh giá, công nhận, xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới là minh chứng rõ nét, thể hiện vai trò của Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp trong việc triển khai các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, góp phần đảm bảo thực hiện các mục tiêu đã được xác định trong các Nghị quyết của Đảng, của Chính phủ và các Quyết định, văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới./.