Theo đó, phạm vi Nghị định số 108 là quy định lĩnh vực, điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư, ưu đãi đầu tư; quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT), Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh (BTO), Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT). Đối với các hình thức Hợp đồng dự án tương tự khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ xem xét, quyết định trong từng trường hợp cụ thể.
Đối tượng điều chỉnh của Nghị định này gồm các nhà đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện Hợp đồng dự án, các cơ quan, tổ chức cá nhân, doanh nghiệp có liên quan đến việc thực hiện Dự án theo quy định tại Nghị định này.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện Hợp đồng dự án là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và điều kiện quản lý cụ thể các Bộ ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể ủy quyền cho các cơ quan trực thuộc của mình ký kết và thực hiện Hợp đồng dự án Nhóm B và Nhóm C.
Nghị định cũng quy định cụ thể các lĩnh vực đầu tư gồm 06 lĩnh vực: Đường bộ, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ; Đường sắt, cầu đường sắt, hầm đường sắt; Cảng hàng không, cảng biển, cảng sông; Hệ thống cung cấp nước sạch, hệ thống thoát nước, hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải; Nhà máy điện, đường dây tải điện; Các công trình kết cấu hạ tầng khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Việc xây dựng và công bố danh mục dự án được quy định trong Chương II của Nghị định. Theo đó, căn cứ quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ và theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 108, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ lập danh mục các dự án (BOT, BTO và BT) của từng ngành, địa phương.
Chương III của Nghị định số 108 quy định về lựa chọn nhà đầu tư đàm phán hợp đồng dự án. Tùy từng loại dự án mà việc lựa chọn nhà đầu tư đàm phán hợp đồng dự án có thể là đấu thầu lựa chọn Nhà Đầu tư hay chỉ định Nhà Đầu tư
Chương VI của Nghị định quy định về Hợp đồng dự án với các nội dung như: nội dung của Hợp đồng dự án; Quyền tiếp nhận dự án; Sửa đổi, bổ sung Hợp đồng dự án….
Tiếp đó, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư và thực hiện dự án cũng được quy định trong Nghị định. Tùy vào các dự án mà cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư có thể là Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Nhà đầu tư phải nộp 10 bộ hồ sơ trong đó có ít nhất 01 bộ cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư để tổ chức thẩm tra, cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Một nội dung quan trọng nữa, đó là Nghị định quy định ưu đãi và đảm bảo đầu tư đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án như: doanh nghiệp BOT và doanh nghiệp BTO được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc miễn tiền thuê đất trong toàn bộ thời gian thực hiện dự án. Đối với doanh nghiệp BT được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để xây dựng công trình BT theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Ngoài ra, Nghị định số 108 quy định Quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT, Hợp đồng BTO, Hợp đồng BT. Theo đó, các Bộ, ngành có liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư…Bộ Tư pháp có nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể: Tham gia đàm phán các vấn đề liên quan đến luật áp dụng, giải quyết tranh chấp, bảo lãnh Chính phủ và các vấn đề pháp lý khác của Hợp đồng dự án theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong từng trường hợp cụ thể; Thẩm định và cho ý kiến về sự khác nhau giữa quy định của Hợp đồng dự án và pháp luật trong nước; Chủ trì đàm phán nội dung và cấp ý kiến pháp lý về Hợp đồng dự án trong từng trường hợp cụ thể; Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2010 và thay thế Nghị định số 78/2007/NĐ-CP ngày 11/5/2007 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, Hợp đồng BTO và Hợp đồng BT.
Linh Tâm