Việc quản lý nhà biệt thự phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quy hoạch, kiến trúc, pháp luật về nhà ở và quy định tại Thông tư này. Đối với nhà biệt thự thuộc sở hữu nhà nước phải được quản lý theo đúng quy định về quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, tài sản thuộc sở hữu nhà nước. Đối với nhà biệt thự là nhà ở công vụ phải thực hiện theo các quy định của pháp luật về quản lý nhà ở công vụ. Khuyến khích việc giãn dân tại những nhà biệt thự có nhiều hộ ở; khuyến khích việc sửa chữa, cải tạo đối với nhà biệt thự đã bị biến dạng để phục hồi lại nguyên trạng kiểu dáng kiến trúc.
Thông tư cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý sử dụng nhà biệt thự như: Tự ý phá dỡ hoặc cải tạo làm thay đổi quy hoạch (mật độ xây dựng, số tầng và độ cao), kiểu dáng kiến trúc, hình ảnh nguyên trạng đối với biệt thự; Tự ý phá dỡ hoặc cải tạo làm thay đổi quy hoạch; Cơi nới, chiếm dụng diện tích, không gian hoặc làm hư hỏng tài sản thuộc phần sở hữu chung hoặc phần sử dụng chung trong nhà biệt thự dưới mọi hình thức; tự ý đục phá, cải tạo, tháo dỡ hoặc làm thay đổi phần kết cấu chịu lực, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị sử dụng chung, kiến trúc bên ngoài của nhà biệt thự; thay đổi kết cấu, thiết kế của phần sở hữu riêng hoặc phần sử dụng riêng nhà biệt thự; Phân chia, chuyển đổi phần sở hữu chung hoặc phần sử dụng chung trong nhà biệt thự trái quy định; Gây tiếng ồn quá mức quy định; làm ảnh hưởng đến trật tự, trị an nhà biệt thự; Xả rác thải, nước thải, khí thải, chất độc hại bừa bãi; gây thấm, dột, ô nhiễm môi trường; …
Khi có tranh chấp xảy ra thì các tranh chấp liên quan tới quyền sở hữu nhà biệt thự do Toà án giải quyết; các tranh chấp về quyền sử dụng trong nhà biệt thự thuộc sở hữu nhà nước do cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh giải quyết; tranh chấp về hợp đồng dân sự trong quá trình thực hiện quản lý sử dụng nhà biệt thự theo quy định của Thông tư này thì xử lý theo quy định của pháp luật về hợp đồng dân sự.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 22 tháng 01 năm 2010.
Lê Văn Nhật