Pháp lệnh có 6 Chương 72 Điều quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết các khiếu nại hàng hải, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thi hành án dân sự, thực hiện tương trợ tư pháp và thẩm quyền, trình tự, thủ tục thả tàu biển đang bị bắt giữ. Pháp lệnh áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến các vấn đề trên.
Thẩm quyền bắt giữ tàu biển thuộc về TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có cảng biển, càng thủy nội địa mà tàu biển bị yêu cầu bắt giữ đang hoạt động hàng hải. Người yêu cầu bắt giữ tàu biển phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình và bồi thường thiệt hại nếu có. TAND cấp tỉnh nếu ra quyết định bắt giữ tàu biển không đúng với lý do yêu cầu bắt giữ tàu biển hoặc không đúng tàu biển có yêu cầu bắt giữ mà gây thiệt hại cũng phải bồi thường theo quy định của pháp luật Viện Kiểm sát nhân dân sẽ chịu trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc bắt giữ tàu biển cũng như thực hiện các quyền kiến nghị theo quy định của pháp luật để đảm bảo việc bắt giữ tàu biển kịp thời, đúng pháp luật.
Bộ Tư pháp có vai trò tiếp nhận văn bản ủy thác tư pháp việc bắt giữ tàu biển và chuyển văn bản này tới tòa án có thẩm quyền ở nước ngoài (trong trường hợp ủy thác tư pháp) và tòa án có thẩm quyền trong nước (trong trường hợp thực hiện ủy thác tư pháp) để các cơ quan này tiến hành thủ tục bắt giữ.
X.Hoa