Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: Công chức làm sai phải bồi thường
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án có quyền yêu cầu nhà nước bồi thường. Đây là lần đầu tiên pháp luật Việt Nam quy định rõ 11 hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra mà nhà nước phải bồi thường. Trong đó có những hành vi phổ biến như trong ban hành quyết định xử phạt hành chính; cấp, thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư và một số giấy tờ có giá trị khác; áp dụng thu phí, lệ phí, thuế, tiền sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng...
Người thi hành công vụ nếu phạm lỗi cố ý thì buộc phải trả lại một phần kinh phí nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự
Điểm mới rất đáng chú ý của Luật này là việc bổ sung các quy định liên quan đến tội phạm về kinh tế và môi trường. Hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan có thể bị phạt tiền đến 200 triệu đồng và phạt tù ba năm; xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có thể bị phạt một tỷ đồng và phạt tù ba năm. Trong lĩnh vực chứng khoán, phạm tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật; sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; thao túng giá chứng khoán có thể bị phạt tù đến bảy năm và phạt tiền đến 500 triệu đồng.
Tại khoản 1 Điều 248 về tội đánh bạc, Luật quy định người được thua bằng tiền hoặc hiện vật tối thiểu hai triệu đồng (quy định hiện hành là 500 ngàn đồng) mới bị coi là phạm tội.
Luật Quản lý nợ công
Gồm 7 chương, 49 điều, có hiệu lực từ 1/1/2010, Luật quy định thống nhất quản lý nợ trong và ngoài nước, quản lý tập trung các khoản nợ trực tiếp và dự phòng của ngân sách Nhà nước, điều hành các hạn mức nợ, quản lý rủi ro, cơ cấu lại danh mục nợ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nợ.
Theo Luật, nợ chính phủ là khoản nợ phát sinh từ các khoản vay trong nước, nước ngoài, được ký kết, phát hành nhân danh Nhà nước, nhân danh Chính phủ hoặc các khoản vay khác do Bộ Tài chính ký kết, phát hành, uỷ quyền phát hành theo quy định của pháp luật. Nợ chính phủ không bao gồm khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành nhằm thực hiện chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ. Nợ được Chính phủ bảo lãnh là khoản nợ của doanh nghiệp, tổ chức tài chính, tín dụng vay trong nước, nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh.
Đặc biệt, Luật cũng quy định cơ quan tiếp nhận phải cung cấp các thông tin về nợ công đảm bảo tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện kiểm tra, kiểm soát của toàn xã hội đối với việc vay và trả nợ, giúp nâng cao chất lượng môi trường đầu tư của Việt Nam.
Gồm Luật Điện ảnh, Luật Di sản văn hóa và Luật Sở hữu trí tuệ sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2010.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh cho phép tổ chức cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền hợp tác đầu tư với doanh nghiệp sản xuất phim, phát hành phim và doanh nghiệp phổ biến phim của Việt Nam dưới hình thức hợp tác kinh doanh hoặc thành lập liên doanh.
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa cho phép tăng cường phân cấp cho các địa phương trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa.
Theo quy định mới của Luật Sở hữu trí tuệ, thời hạn bảo hộ bản quyền tác giả sẽ kéo dài từ 50 năm lên 75 năm kể từ khi tác phẩm (điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh) được công bố lần đầu tiên.
Và nhiều văn bản quan trọng khác
Tăng lương tối thiểu theo vùng. Theo Nghị định số 97/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động. Mức lương tối thiểu áp dụng từ ngày 01/01/2010: 980.000 đồng đối với vùng I; 880.000 đồng đối với vùng II; 810.000 đồng đối với vùng III; 730.000 đồng đối với vùng IV.
Nghị định số 98/2009/NĐ-CP của Chính phủ Quy định mức lương tối thiểu vùng đối với lao động Việt nam làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt nam. Mức lương tối thiểu áp dụng từ ngày 01/01/2010: 1.340.000 đồng đối với vùng I; 1.190.000 đồng đối với vùng II; 1.040.000 đồng đối với vùng III; 1.000.000 đồng đối với vùng IV.
Tiếp tục cấp mới giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường. Theo Nghị định 103 về quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, có hiệu lực từ 1-1-2010, các tỉnh, thành đã có quy hoạch về vũ trường và karaoke thì có thể tiếp tục cấp mới giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường.
Như vậy, sau hơn bốn năm ngưng cấp phép mới kinh doanh karaoke, vũ trường thì từ ngày 1-1-2010 việc cấp phép mới sẽ được khôi phục. Ngoài ra, theo Nghị định này, vũ trường và phòng karaoke trong các cơ sở lưu trú du lịch bốn sao, năm sao hoặc hạng cao cấp sẽ được hoạt động sau 12 giờ đêm nhưng không quá 2 giờ sáng. Các điểm kinh doanh karaoke khác không được kinh doanh quá 12 giờ đêm.
Riêng quy định về kinh doanh trò chơi điện tử thì Nghị định này siết chặt thời gian hoạt động không được sau 10 giờ đêm đến 8 giờ sáng. Theo quy định hiện nay, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thể hoạt động đến 11 giờ đêm.
Chậm đưa vào sử dụng đất bị phạt. Lần đầu tiên hành vi chậm đưa đất vào sử dụng bị đưa vào Nghị định xử phạt vi phạm hành chính (Nghị định số 105/2009/NĐ-CP). Theo đó, phạt từ 500 ngàn đến 2 triệu đồng đối với hành vi không sử dụng đất trồng cây hằng năm quá 12 tháng liền, không sử dụng đất trồng cây lâu năm quá 18 tháng, không sử dụng đất trồng rừng quá 24 tháng khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền. Dự án đầu tư chậm sử dụng đất quá 12 tháng hoặc chậm so với tiến độ được duyệt bị phạt 2-10 triệu đồng. Theo Điều 38 Luật Đất đai 2003, hành vi chậm đưa đất vào sử dụng như trên sẽ bị thu hồi đất nhưng trên thực tế, hầu như chưa có trường hợp nào bị chế tài...
Từ ngày 01/01/2010, bảo hiểm y tế là 4,5% tiền lương. Cụ thể, mức đóng BHYT của các đối tượng tham gia bảo hiểm là 4,5% tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và bằng 3% mức lương tối thiểu đối với học sinh, sinh viên.
Theo Nghị định số 62/2009/NĐ-CP, người tham gia BHYT được hưởng: 100% chi phí khám, chữa bệnh đối với các đối tượng là sĩ quan, hạ sĩ quan đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân, người có công với cách mạng và trẻ em dưới 6 tuổi; 100% chi phí khám chữa bệnh tại tuyến xã; 100% chi phí khám chữa bệnh trong trường hợp tổng chi phí 1 lần khám, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương tối thiểu.
Khánh Ngọc