Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh Đỗ Thị Loan khẳng định, nên có luật để tiến tới tất cả nhà đất được đăng ký hợp pháp, tránh tình trạng giao dịch ngầm.
Về lệ phí, theo luật sư Nguyễn Thanh Việt, Chánh thanh tra quận 3, quy định không nên bắt buộc chung một khung mà phải phù hợp với người dân lao động với nhiều mức khác nhau, áp dụng cho từng nhóm đối tượng phân theo hoàn cảnh, khu vực.
Đại biểu Huy Hoàng (huyện Bình Chánh) lại cho rằng, Luật Đăng ký bất động sản cần do cơ quan Nhà nước cấp giấy chứ không đồng ý để văn phòng bất động sản cấp giấy. Khi xây dựng luật, chúng ta không nên bắt chước mô hình Singapore hay các nước khác mà nên xuất phát từ thực tế có lợi cho người dân.
Luật sư Nguyễn Thanh Việt cho rằng, sẽ phải tiến hành rà soát các văn bản luật liên quan về sửa đổi, bổ sung cho thống nhất. Điều này tránh được cùng một vấn đề mà cả Luật Đăng ký Bất động sản, Luật Đất đai, Luật Nhà ở cùng quy định và những quy định này có thể chồng chéo và mâu thuẫn nhau.
Ngoài ra, ngay chính trong dự thảo luật này, có những điều chưa cụ thể và có sự chồng chéo. Ví dụ, ở điều 29 đến điều 33 đề cập tới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất có nói vấn đề “một giấy” là giấy nào? Giấy thể hiện nội dung gì? Với những gì dự thảo này đề cập thì liệu văn phòng đăng ký bất động sản có phải là cơ quan quản lý đất đai hay không? – Ông Liêm, Trung tâm Thông tin tài nguyên môi trường và Đăng ký nhà đất TP.Hồ Chí Minh băn khoăn.
Theo ông Đỗ Việt Khôi, giảng viên Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh, đặt ra một luật nhằm thay nhiều luật trước đó rất khó khả thi, dù đó là mong muốn chính đáng. Chưa kể trong quá trình thực hiện sẽ có nhiều điều chồng chéo nhau. Vì thế, cần có những bước giải quyết từ từ chứ không mong ngày một ngày hai giải quyết hết những bất cập phát sinh.
Nhiều đại biểu đồng ý rằng, dù còn những bất cập về diễn đạt, nhưng nhiều nội dung của luật rất đáng ủng hộ vì trên tinh thần minh bạch, tránh giao dịch ngầm, đưa lại nhiều ích lợi cho người dân.
Theo vietnamnet.vn