Pháp luật hiện hành đã có nhiều qui định (cụ thể là Điều 135 Luật Đất đai (LĐĐ) 2003 và Điều 159 NĐ181/2004/NĐ-CP (ngày 29/10/2004) của Chính phủ về thi hành LĐĐ) thể hiện chính sách của Nhà nước trong việc khuyến khích và ưu tiên áp dụng hình thức hòa giải để giải quyết TCĐĐ. Và thực tế cũng đã chứng minh được vai trò to lớn của hòa giải trong quá trình giải quyết nhanh chóng những TCĐĐ ngay tại cơ sở, góp phần hạn chế được những khiếu kiện phức tạp.
LĐĐ 2003 qui định thủ tục hòa giải mang tính bắt buộc rõ ràng hơn LĐĐ 1993. Theo đó, hòa giải TCĐĐ được tiến hành qua 3 bước: tự hòa giải, HGCS, hòa giải tại UBND cấp xã và được coi là thủ tục đầu tiên của quá trình giải quyết TCĐĐ, trước khi cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Dù hòa giải TCĐĐ tại UBND cấp xã không phải là thủ tục tố tụng theo Bộ luật Tố tụng Dân sự, nhưng theo Điều 136 LĐĐ 2003, Tòa án chỉ thụ lý giải quyết TCĐĐ khi việc tranh chấp đó đã được hòa giải tại UBND cấp xã.
Theo Ths. Phạm Hương Lan – Chuyên viên Hội Luật gia Việt Nam, một qui định rất mới của LĐĐ 2003 đối với hòa giải TCĐĐ là “Việc hòa giải phải được lập thành biên bản, có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc không thành của UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất”. Qui định này đã làm tăng giá trị pháp lý của biên bản hòa giải, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên, tính công khai, minh bạch của việc hòa giải, đồng thời thể hiện được ý chí của các bên và vai trò của cơ quan nhà nước trong hòa giải TCĐĐ.
Tuy nhiên, LĐĐ 2003 lại chưa có qui định cụ thể nào về hiệu lực của biên bản hòa giải. Theo khoản 3 Điều 159 NĐ 181, sau khi UBND có thẩm quyền căn cứ vào biên bản hòa giải của UBND cấp xã ra quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các đương sự không có quyền khởi kiện vụ án dân sự. Nhưng nếu không đồng ý thì tùy theo qui định tại điểm c khoản 1 điều 162 NĐ181, đương sự có quyền khiếu nại.
Vấn đề đặt ra là pháp luật hiện hành đã “quên” qui định cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận, trình tự công nhận, hiệu lực bắt buộc của các bên thực hiện biên bản hòa giải thành đối với các trường hợp hòa giải thành khác như hợp đồng mua bán, tặng, cho, thuê nhà, đất…Vì thế, hiệu lực của biên bản hòa giải thành trong các trường hợp trên không xác định được trong thực tế. Bà Phạm Hương Lan cho rằng, trong các trường hợp trên, khi một trong các bên đương sự thay đổi ý kiến thì không nên coi việc hòa giải là không thành và chấp nhận cho đương sự có quyền khởi kiện ra tòa án để giải quyết TCĐĐ của mình. Như vậy sẽ làm mất vai trò của công tác hòa giải và giá trị pháp lý của biên bản hòa giải thành do UBND cấp xã lập.
Đây chỉ là một trong những hạn chế của pháp luật đối với hiệu quả của hòa giải TCĐĐ ở cơ sở. Và một trong những yếu tố vô cùng quan trọng là xây dựng một hành lang pháp lý rõ ràng hơn nữa, đặc biệt là đối với hiệu lực của biên bản hòa giải thành, để thúc đẩy công tác HGCS phát huy được thế mạnh trong giải quyết TCĐĐ./.
Huy Anh