Cơ chế mới hạn chế giấy phép con có gì mới?

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đang soạn thảo một Nghị định nhằm thắt chặt lại chuyện “đẻ” giấy phép kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô của Viện, nếu được ban hành thì văn bản này sẽ góp phần to lớn trong việc xóa bỏ những rào cản đối với quyền tự do kinh doanh của người dân.

Giám sát đến cùng

Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có một ưu điểm là người dân được quyền đóng góp ý kiến trong quá trình hình thành văn bản pháp luật. Tuy nhiên, quyền này rất dễ bị vô hiệu hóa bởi việc tiếp thu hay không đều trăm sự phụ thuộc vào cơ quan soạn thảo. “Cơ quan soạn thảo thích thì tiếp thu, còn không thì cũng chẳng sao. Gần như không có ai giám sát việc này cả”, một luật sư nhận xét.

Dự thảo nghị định về quản lý nhà nước đối với giấy phép kinh doanh (xin gọi tắt là “dự thảo nghị định”) đã giải quyết được phần nào hạn chế trên, ít nhất là trong việc ban hành các quy định liên quan đến giấy phép kinh doanh.  

Giải quyết bằng cách nào? Bằng cách lần đầu tiên đưa ra một cơ chế mới để người dân có thể tham gia thẩm định, kiểm soát chặt chẽ quá trình hình thành các loại giấy phép kinh doanh. Dự thảo nghị định gọi cơ chế đó dưới cái tên Hội đồng quốc gia về giấy phép kinh doanh (gọi tắt là “Hội đồng”).

Hội đồng này do Thủ tướng quyết định thành lập, chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát, đánh giá việc ban hành, thực hiện các quy định về giấy phép kinh doanh. Thành phần tham gia Hội đồng dự kiến gồm 20 người với một nửa là cán bộ, công chức nhà nước; nửa còn lại gồm đại diện các tầng lớp nhân dân (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, luật sư, chuyên gia...).

Mặc dù chỉ như một cơ quan tham vấn nhưng Hội đồng có những “quyền năng” khá lớn. Ví dụ như trước khi ban hành, dự thảo quy định về giấy phép kinh doanh phải được gửi cho Hội đồng để lấy ý kiến và những ý kiến này phải được cơ quan soạn thảo xem xét, tiếp thu. Chưa hết, sau khi ban hành, giấy phép kinh doanh trên còn phải được lập hồ sơ đăng ký tại Văn phòng Đăng ký giấy phép (trực thuộc Hội đồng), nếu không sẽ không có hiệu lực thi hành. 

Như vậy, người dân không chỉ thực hiện quyền đóng góp ý kiến mà thông qua đại diện của mình còn có thể giám sát đến cùng việc ra đời các loại giấy phép kinh doanh. Ngoài ra, hàng năm Hội đồng còn đánh giá và đề nghị các cơ quan nhà nước đánh giá lại các quy định về giấy phép kinh doanh để qua đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ những giấy phép không còn phù hợp.

“Hội đồng hoạt động một cách độc lập, với chức năng phản biện các cơ quan ban hành giấy phép. Hoạt động của nó không trái với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà trái lại bổ sung, nâng cao thêm chất lượng của cả quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, ông Cung giải thích. 

Theo ông Jorge Velazquez Roa (Công ty Tư vấn J & A), thật ra mô hình giám sát nói trên đã được áp dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới. Ví dụ như Hàn Quốc, Serbia, Moldova, Ukraina... Riêng ở Trung Quốc, sau hơn hai năm thực hiện cải cách hành chính đã có khoảng 1.200 giấy phép hành chính đã bị loại bỏ.

Về ý kiến không nên lập Hội đồng vì sợ sẽ phình bộ máy hành chính, luật sư Nguyễn Thông Anh, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Bình Phước, cho rằng đúng là có tăng thêm chi phí cho ngân sách nhưng lợi ích mang lại là rất lớn. “Nếu Hội đồng hoạt động tốt sẽ góp phần giải phóng được hàng loạt giấy phép kinh doanh không cần thiết, tạo sự thông thoáng cho hoạt động kinh doanh”.   

Hàng loạt giấy phép sẽ phải sửa lại

Song song với cơ chế Hội đồng, dự thảo nghị định còn đưa ra một trình tự, thủ tục khá gắt gao đối với việc ban hành các quy định về giấy phép kinh doanh.

Trước hết là phạm vi áp dụng giấy phép. Nếu như hiện nay giấy phép có thể xuất hiện mọi nơi mọi lúc thì với dự thảo, giấy phép chỉ được áp dụng trong một số phạm vi nhất định để quản lý các hoạt động kinh doanh như: có tác động đến an ninh công cộng, sức khỏe, tính mạng con người, môi trường sinh thái, khai thác tài nguyên và cung cấp dịch vụ công ích.

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo phải lập báo cáo đánh giá tác động của giấy phép kinh doanh dự kiến ban hành và gửi báo cáo đó cho Hội đồng để có ý kiến. Trong trường hợp giấy phép có ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của một số bên thì cơ quan soạn thảo còn phải tổ chức điều trần với sự tham gia của các bên trước khi trình ban hành...

Một yêu cầu khác không thể thiếu là muốn ban hành một giấy phép kinh doanh thì giấy phép đó phải đảm bảo được tối thiểu mười nội dung như mục đích giấy phép; tên giấy phép; đối tượng được cấp phép; trình tự cấp phép; thời hạn cấp phép; điều kiện cấp phép... Mặt khác, giấy phép kinh doanh chỉ có hiệu lực khi nó được quy định tại luật, pháp lệnh hoặc nghị định.

Theo ông Nguyễn Thái Sơn, chuyên viên Vụ Đổi mới và Doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ), hầu hết trong số hơn 300 giấy phép hiện đang tồn tại đều không đáp ứng được yêu cầu trên. Vì vậy, nếu dự thảo nghị định được thông qua thì hàng loạt giấy phép sẽ phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp quy định nếu muốn tồn tại.

Riêng những giấy phép được quy định tại thông tư hoặc văn bản pháp luật khác mà không phải là luật, pháp lệnh, nghị định thì đương nhiên sẽ phải bị hủy bỏ. Các hình thức giấy phép dưới dạng chỉ đạo, mệnh lệnh hành chính, ví dụ như yêu cầu phải có xác nhận phù hợp quy hoạch mới được cấp phép kinh doanh Internet hay kinh doanh băng, đĩa, hình của UBND thành phố, theo ông Nguyễn Đình Cung, cũng đều sẽ bị vô hiệu.

Mỗi tuần “đẻ” một giấy phép con

Ông Vũ Xuân Phong, Phó giám đốc Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, dẫn chứng một loạt chuyện bức bối xung quanh giấy phép con trong lĩnh vực hàng hải.

Tréo ngoe nhất là chuyện Nghị định 79/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thủ tục thành lập đại lý khai thuê hải quan. Văn bản này một mặt yêu cầu người xin thành lập phải có điều kiện ít nhất một nhân viên có đủ trình độ làm đại lý hải quan (được Tổng cục Hải quan cấp thẻ chứng nhận). Nhưng mặt khác, để được cấp thẻ, nghị định lại yêu cầu phải được một doanh nghiệp có chức năng khai thuê hải quan có công văn xin cấp thẻ! Thật chẳng khác nào chuyện nhà đất đòi hộ khẩu và hộ khẩu đòi nhà đất?

Một dẫn chứng khác. Mặc dù doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với chức năng vận tải đa phương thức và lẽ ra như thế là mặc nhiên được hoạt động nhưng các doanh nghiệp vẫn phải chạy lên xin phép Cục Vận tải của Bộ Giao thông Vận tải, nếu không thì... đừng có mà hòng!

Kiểu xin-cho theo lệ làng này, theo ông Phong, cũng đang được Tổng cục Thuế áp dụng triệt để đối với thuế cước hàng hải. Theo hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì hãng tàu nước ngoài được phép giảm trừ 1% trong tổng số 3% thuế cước hàng hóa chuyên chở. Hiệu lực của hiệp định còn lớn hơn cả luật trong nước. Vậy mà mỗi lần muốn được giảm trừ thuế, doanh nghiệp phải ôm “cả gánh” tài liệu lên Tổng cục Thuế để xin cho từng trường hợp (nhưng chưa chắc đã xin được).

Theo ông Nguyễn Đình Cung, trong vòng ba năm trở lại đây, ước tính bình quân mỗi tuần lại có thêm một giấy mới.

 

(Theo Thời báo Kinh tế Sài gòn)