Người đại diện phần vốn nhà nước thuộc diện kê khai
Theo Thông tư 01, từ nay, những người có chức vụ từ phó trưởng phòng UBND cấp huyện và tương đương trở lên sẽ phải có nghĩa vụ kê khai, bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan và đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở TƯ, cấp tỉnh và cấp huyện; trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân không phải là hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp; Những người được Đảng, Nhà nước điều động, phân công và những người được tuyển dụng, bổ nhiệm theo chỉ tiêu biên chế được giao làm việc trong tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
Đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty nhà nước, công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước thì người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập khi đáp ứng đủ 2 điều kiện sau: Một là, giữ một trong các chức danh Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát, Phó trưởng ban kiểm soát, thành viên Ban kiểm soát, Kế toán trưởng, Trưởng ban, Phó trưởng ban, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty nhà nước, công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước. Hai là, các chức danh trên do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử giữ, bổ nhiệm; hoặc do hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị của công ty cổ phần bầu, bổ nhiệm và là người đại diện phần vốn góp của nhà nước tại công ty đó.
Sửa đổi để cập nhật
Theo Thanh tra Chính phủ, lần sửa đổi này là cần thiết để cập nhật vì sau khi Thông tư 2442 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 37 ra đời từ tháng 11/2007 thì đến ngày 3/7/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 85/2008/QĐ-TTg về việc ban hành Danh mục người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền cho biết thêm, việc sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 01 của Thanh tra Chính phủ đã được ý kiến thống nhất của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ.
Phó Tổng Thanh tra kiêm Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Trần Đức Lượng hướng dẫn, trong Bản kê khai, người kê khai chỉ phải ký, ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm kê khai chứ không phải điền các thông tin tại Phần thông tin về biến động tài sản nếu là kê khai lần đầu. Còn nếu kê khai kê khai bổ sung thì bản kê mới sẽ có thêm ô đánh dấu biến động tăng, biến động giảm. Đối với nhà, công trình xây dựng khác, chỉ kê khai nhà ở, nhà xưởng, nhà hàng, câu lạc bộ và các công trình xây dựng khác kể cả đang cho người khác thuê, nếu có nhà công vụ cũng không phải kê khai. Về quyền sử dụng đất, cần kê khai đất ở, đất nông nghiệp, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất chuyên dùng…. Đối với thu nhập, nội dung kê khai bao gồm lương, các khoản phụ cấp theo lương và các khoản thu nhập khác (nếu có). Về tài sản, chỉ kê khai nếu tổng giá trị của mỗi loại tài sản từ 50 triệu đồng trở lên và đặc biệt, việc xác định giá trị tài sản do người kê khai tự ước tính theo giá thị trường tại thời điểm kê khai.
Thục Quyên
Thông tư 01 còn nhấn mạnh, hành vi chậm kê khai, chậm tổ chức việc kê khai, chậm tổng hợp, báo cáo kết quả về minh bạch tài sản, thu nhập mà không có lý do chính đáng sẽ bị áp dụng các hình thức kỷ luật tùy từng trường hợp. Cụ thể, người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai chậm, người có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả về minh bạch tài sản, thu nhập mà thực hiện chậm từ trên 15-30 ngày so với thời hạn do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định sẽ bị khiển trách. Hình thức cảnh cáo sẽ áp dụng đối với những người này khi thời hạn chậm từ trên 30-45 ngày hoặc đã từng bị khiển trách mà vẫn tiếp tục vi phạm. Ngoài ra, áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn hình thức cảnh cáo đối với các đối tượng chậm trên 45 ngày so với thời hạn quy định. |