Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn
Ngay từ đầu năm, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã họp triển khai công tác của Hội đồng trong năm 2024, ban hành 04 văn bản, tham mưu UBND tỉnh ban hành 01 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác PBGDPL đối với từng ngành, lĩnh vực cụ thể trên địa bàn tỉnh. Trong đó, xác định rõ nội dung các công việc và phân công trách nhiệm thực hiện của từng cơ quan, đơn vị, thành viên của Hội đồng; yêu cầu các đơn vị phải lựa chọn nội dung, đa dạng hóa các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, bám sát các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh gắn với xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, với các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng. Để đảm bảo hoạt động có hiệu quả, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 471/QĐ-UBND ngày 08/3/2024 về việc kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh với 36 thành viên.
Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh và Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, 100% các Sở, ban, ngành, đoàn thể và Hội đồng phối hợp PBGDPL của 10 huyện, thành phố đã ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, văn bản triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp với tình hình thực tế từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Phát huy vai trò của các sở, ngành, đoàn thể trong triển khai công tác PBGDPL
Trong năm 2024, các Sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các cấp tổ chức hơn 2.912 hội nghị, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề cho 307.793 lượt người; tổ chức để cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh tham gia 18 cuộc thi tìm hiểu pháp luật thu hút 152.309 lượt người dự thi; biên soạn, phát hành hơn 759.438 tài liệu thông tin, truyên truyền pháp luật (gồm tin bài đăng, phát trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở, xe thông tin lưu động, trên thông tin đại chúng, internet; tờ rơi, tờ gấp, hỏi đáp tìm hiểu pháp luật
,trong đó có 8.264 tài liệu đăng tải trên Internet). Nội dung trọng tâm theo hướng dẫn, chỉ đạo của UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, bao gồm các luật, pháp lệnh, văn bản mới thông qua năm 2023, năm 2024; các dự thảo chính sách, pháp luật có tác động lớn đến xã hội; các văn bản, quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp...Tiêu biểu như:
Ngành Công an, đã tổ chức 69 hội nghị phổ biến, quán triệt, triển khai thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về an ninh trật tự cho 3.360 lượt cán bộ, chiến sĩ; tổ chức 04 cuộc thi tìm hiểu pháp luật về Luật Căn cước, Luật Đất đai, Luật Phòng cháy chữa cháy. Tập hợp biên soạn, in ấn các tài liệu tuyên truyền pháp luật dưới hình thức “Sổ tay pháp luật”, “Hỏi đáp pháp luật”, “Tờ gấp tuyên truyền pháp luật”, “Đề cương hướng dẫn pháp luật”. Đăng 215 tin, bài viết và 71 bản tin, 37 phóng sự truyền hình trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông để kịp thời tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các gương người tốt, việc tốt; công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật. Thường xuyên đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, hướng dẫn các thủ tục hành chính trên Trang thông tin điện tử của Công an tỉnh (địa chỉ:
http//congan.namdinh.gov.vn), tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, chiến sĩ và quần chúng Nhân dân khai thác, tìm hiểu.
Sở Tư pháp đã tổ chức 18 Hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật (trực tiếp và trực tuyến) cho khoảng 2.000 lượt người tham dự. Trong đó đã triển khai một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, tập huấn các văn bản pháp luật mới, pháp luật có liên quan trực tiếp đến người dân như: Luật Đất đai, Luật Căn cước, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Luật Bảo vệ môi trường… . Tổ chức tập huấn kỹ năng nghiệp vụ và văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý như: kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông chính sách, nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính, kỹ năng hòa giải ở cơ sở, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, quy trình giải quyết liên thông thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký khai sinh, khai tử…. cho đội ngũ công chức pháp chế của các Sở, ngành, phòng tư pháp các huyện, thành phố, công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã. Tổ chức Hội nghị hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh… Tặng tủ sách pháp luật với hàng trăm đầu sách pháp luật cho UBND xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, với các đầu sách pháp luật đã được lựa chọn trên cơ sở bám sát nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, nhân dân ở địa phương như pháp luật về dân sự, hình sự, luật lao động, hòa giải ở cơ sở, đất đai, bảo vệ môi trường... Biên soạn, cấp phát miễn phí 4.500 cuốn Bản tin Tư pháp số 01, 2, 3/2024, 240 cuốn Tập đề cương giới thiệu luật cho 10 huyện, thành phố Nam Định và 226 xã, phường thị trấn; đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Sở 330 tin bài hoạt động và tài liệu tìm hiểu pháp luật và phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh xây dựng chuyên mục “Chính sách mới” phát sóng thường xuyên để phục vụ công tác tìm hiểu, tuyên truyền pháp luật của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và Nhân dân.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các hội nghị tuyên truyền, các lớp tập huấn, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành cho tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực ngành quản lý với tổng số lượng 78 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp, số lượt người tham dự 6.956 lượt người; phát hành 31.198 tài liệu; phát sóng 10 chuyên mục “Nhịp cầu nhà nông” trên Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh; đăng tải trên Internet 34 tin bài, tài liệu tuyên truyền.
Sở Giao thông vận tải tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành có liên quan trong lĩnh vực giao thông vận tải; triển khai thực hiện Năm An toàn giao thông (ATGT) năm 2024 với chủ đề
“Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” với mục tiêu nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn, hướng dẫn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam gắn với thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành.
Sở Nội vụ đã tổ chức 26 hội nghị/lớp với 4.238 lượt người tham dự về Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản liên quan đên cán bộ, công chức viên chức….
Ngoài ra, xác định vị trí, nhiệm vụ quan trọng trong việc truyền tải các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước tới đông đảo nhân dân trên địa bàn tỉnh, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh và Báo Nam Định cũng thường xuyên đổi mới nội dung tin bài, hình thức tuyên truyền pháp luật trên sóng phát thanh truyền hình, Trang thông tin điện tử, Báo in, Báo điện tử với việc xây dựng các Chuyên mục “Chính sách mới” (phát sóng 22 số/tháng), “Tiếp chuyện bạn nghe Đài” (04 số/tháng); “An toàn giao thông” (04 số/tháng)....; tiếp tục duy trì các chuyên mục, chuyên đề: “Cải cách hành chính”, “Với khán giả xem truyền hình”, “Vì An ninh trật tự, “Vì chủ quyền an ninh biển đảo”...
Chú trọng PBGDPL cho đối tượng đặc thù
Thực hiện PBGDPL cho đối tượng đặc thù theo Kế hoạch số 87/KH-UBND ngày 19/6/2019 của UBND tỉnh Nam Định, việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm. 100% các đối tượng bảo trợ xã hội được đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ trợ cấp, trợ giúp theo quy định. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được các địa phương đảm bảo tiếp cận với các chính sách giảm nghèo bền vững.
Hoạt động PBGDPL cho người lao động trong các doanh nghiệp được tổ chức với nhiều hình thức tập trung vào các chính sách việc làm và các quy dịnh về an toàn, vệ sinh lao động, pháp luật lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội
Công an tỉnh đã chỉ đạo cải tiến các nội dung, chương trình PBGDPL cho các đối tượng bị thi hành án phát tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở bắt buộc. Theo đó, 100% số đối tượng bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân được phổ biến, học tập nội quy, quy chế giam, giữ, chính sách pháp luật về giáo dục, cải tạo phạm nhân đảm bảo quy định; tạo điều kiện cho phạm nhân được tiếp cận với sách, báo, tờ rơi, đề cương tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Thường xuyên mở các lớp giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng cho số phạm nhân mới (thời gian từ 05 đến 10 ngày); tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan đến quyền và nghĩa vụ của phạm nhân cho các đối tượng đang chấp hành án; mở các lớp giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng cho số phạm nhân đã chấp hành án xong chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng, trước 02 tháng (thời gian từ 05 đến 10 ngày); chủ động phối hợp với các cấp, các ngành chức năng quản lý chặt chẽ và tuyên truyền, PBGDPL cho người được đặc xá, tha tù về địa phương, đối tượng hình sự.
Với việc triển khai thực hiện đa dạng các hình thức PBGDPL, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, đưa pháp luật đến gần với người dân. Trong thời gian tới, tỉnh Nam Định cần tiếp tục đổi mới các hình thức PBGDPL, đặc biệt là các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo để công tác PBGDPL trên địa bàn đạt hiệu quả thiết thực hơn nữa, làm chuyển biến nhận thức, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, quản lý xã hội bằng pháp luật./.