Phú Yên: Công tác tư pháp đạt được nhiều kết quả

Ngày 22/11/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã ban hành Báo cáo số 271/BC-UBND tổng kết công tác tư pháp năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường công tác trợ giúp pháp lý; nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện tốt quản lý nhà nước trên các lĩnh vực hành chính, bổ trợ tư pháp, quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật. Theo đó, công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, chất lượng công tác xây dựng pháp luật, thẩm định, góp ý VBQPPL trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao; các sở, ban, ngành đã tham mưu HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành các VBQPPL đảm bảo hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; Sở Tư pháp đã thẩm định 58 dự thảo VBQPPL và 02 đề nghị xây dựng VBQPPL (đạt 100% số dự thảo do các cơ quan yêu cầu), giảm 11 dự thảo văn bản so với cùng kỳ năm 2023; góp ý 171 dự thảo VBQPPL, giảm 39 dự thảo văn bản so với cùng kỳ năm 2023. Đồng thời, UBND tỉnh tự kiểm tra 53 VBQPPL, qua kiểm tra chưa phát hiện văn bản trái pháp luật; UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng đôn đốc các cơ quan khẩn trương tham mưu xử lý các văn bản sau rà soát, hệ thống hóa VBQPPL của HĐND, UBND tỉnh đảm bảo theo quy định pháp luật, góp ý dự thảo Báo cáo về kết quả hệ thống hóa trong cả nước của Bộ Tư pháp đúng thời gian yêu cầu.
Về công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh năm 2024; chỉ đạo Sở Tư pháp ban hành Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm của ngành Tư pháp năm 2024; phối hợp rà soát, tổng hợp, xây dựng Danh mục văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm; thi hành pháp luật về quản lý thuế; thi hành pháp luật về xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm; đồng thời đánh giá, phản ánh các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các văn bản nêu trên; tổ chức kiểm tra liên ngành công tác theo dõi thi hành pháp luật năm 2024; tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số B1 trên địa bàn tỉnh.
Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành; các hoạt động PBGDPL diễn ra sôi nổi dưới nhiều hình thức như: Tổ chức 05 Hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ, hội viên, phụ nữ ở cơ sở tại 05 xã, phường trên địa bàn tỉnh; cấp phát 250 tài liệu tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, tổ chức 02 Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật năm 2024 với nội dung: (1) Tìm hiểu một số Luật được Quốc hội khóa XV thông qua, (2) Tìm hiểu Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; tổ chức 04 Phiên tòa giả định tại 04 trường THCS&THPT trên địa bàn tỉnh với chủ đề về an toàn giao thông;…Tính đến ngày 22/11/2024, trên địa bàn tỉnh có 201 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 198 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 1410 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả, ngoài việc ban hành các văn bản, kế hoạch, UBND tỉnh lựa chọn 03 đơn vị cấp xã  tham gia các hoạt động điểm của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030” trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐND ngày 17/4/2024 quy định mức chi bảo đảm cho công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh; UBND các huyện, thị xã thành phố bố trí kinh phí hỗ trợ thù lao cho hòa giải viên và hoạt động của tổ hòa giải đảm bảo mức chi theo quy định. Đối với nhiệm vụ triển khai quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tỉnh đã thực hiện sơ kết 03 năm thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP; tổ chức 09 Hội nghị tập huấn về đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tại 09 huyện, thị xã, thành phố; thành lập 02 đoàn kiểm tra về công tác tiếp cận pháp luật gắn với nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tại các xã đăng ký nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao năm 2024. Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được triển khai đã kịp thời tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp. Năm 2024, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, trong đó có nhiều chính sách, quy định tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.
Về một số lĩnh vực khác như quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp…, UBND tỉnh ban hành đầy đủ các văn bản, kế hoạch, tích cực triển khai Đề án 06 của Chính phủ tại địa phương, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai Đề án cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; hoàn thành việc kết nối và chính thức triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên toàn tỉnh từ ngày 20/10/2024; thực hiện tốt việc hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường; theo dõi, đôn đốc hoạt động giải quyết bồi thường nhà nước tại các cơ quan giải quyết bồi thường. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 18 tổ chức hành nghề luật sư, 01 Văn phòng giao dịch, 06 chi nhánh và 48 luật sư; 07 tổ chức đấu giá tài sản với 15 đấu giá viên và 05 chi nhánh, 03 văn phòng đại diện; 02 tổ chức giám định tư pháp công lập, 11 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, 119 giám định viên tư pháp và 34 người giám định tư pháp theo vụ việc…
Với những hoạt động nổi bật nêu trên cho thấy công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực công tác, hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong năm 2024. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật, phục vụ kịp thời yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, giám sát của HĐND tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp, cải cách hành chính.
Năm 2025 để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, UBND tỉnh đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: Bảo đảm tiến độ và chất lượng công tác thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL, thẩm định dự thảo VBQPPL; tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành; đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức PBGDPL, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP về đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trong đó tập trung hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025…
Hoàng Việt Hà
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật