Hiệu quả từ mô hình “Tủ sách pháp luật tại các điểm chùa Khmer” ở tỉnh Sóc Trăng

Sóc Trăng có 35,44% dân số là người dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Khmer chiếm 30,19%, dân tộc Hoa chiếm 5,22%, còn lại là dân tộc khác. Do đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Sóc Trăng luôn được chú trọng và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng có 93 Chùa Khmer. Đây không chỉ là không gian linh thiêng, giàu tính tâm linh mà còn là một trung tâm hoạt động văn hóa xã hội của người Khmer.

Với mục tiêu đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức, tạo sự linh hoạt, sáng tạo, chủ động trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và phù hợp với thực tiễn cuộc sống; đưa công tác này đi vào thực chất, hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức tôn trọng, chấp hành, sử dụng pháp luật của cơ quan, tổ chức, người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc Khmer, thời gian qua Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp các địa phương xây dựng các kệ sách, tủ sách pháp luật trong các điểm Chùa. Theo đó, 100% Chùa Khmer đều có kệ sách và Tủ sách pháp luật. Ngoài ra, thực hiện Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng về việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật, Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng đã chọn 12 điểm chùa Khmer tiêu biểu để tặng 12 Tủ sách với trên 3.500 đầu sách pháp luật nhằm góp phần giúp cho các vị tín đồ, phật tử Khmer tìm hiểu, nghiên cứu và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Các tủ sách pháp luật được trang bị có số lượng đầu sách, tài liệu cơ bản đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của người dân với thể loại khá phong phú như: các văn bản quy phạm pháp luật, sổ tay hỏi đáp pháp luật, tạp chí dân chủ và pháp luật, hướng dẫn về pháp luật... Đây là một trong những mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả được Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng giới thiệu tại Hội thảo “Đánh giá kết quả 05 năm thực hiện Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3//2019 của Thủ tướng về việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật” do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 23/12/2024.
Ảnh do Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng cung cấp

Từ khi được trang bị tủ sách pháp luật, ngoài giờ tu hành thì các vị sư sãi cùng thành viên ban quản trị đều dành thời gian nghiên cứu các chính sách pháp luật để nâng cao kiến thức cho bản thân. Đặc biệt, vào các ngày 15,30 hàng tháng, mỗi chùa thường đón tiếp trên 200 phật tử vào sinh hoạt. Tận dụng khoảng thời gian này, nhà chùa mở tủ sách pháp luật để bà con phật tử đến đọc, tạo thói quen tốt trong việc nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân. Việc trang bị tủ sách pháp luật tại các chùa Khmer nhằm giúp các chức sắc tôn giáo, tăng sinh, tín đồ, phật tử và người dân xung quanh khu vực chùa tiếp cận các đầu sách có liên quan đến các lĩnh vực đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu đọc, nắm bắt thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, người dân có thể vận dụng các quy định pháp luật để giải quyết tốt các mâu thuẫn, vướng mắc trong đời sống hàng ngày, góp phần giữ gìn sự bình yên cho xóm làng, phum, sóc. Bên cạnh đó, việc người dân tộc Khmer tìm đến tủ sách pháp luật giúp họ có thể nhận biết, học được chữ viết Tiếng Việt. Đây cũng là một cách hay để giữ gìn và phát huy giá trị của song ngữ trong đồng bào dân tộc Khmer.
 Ngoài việc trang bị tủ sách pháp luật tại các chùa Khmer, Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng còn thường xuyên tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các điểm Chùa Khmer vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Tại đây, người dân được tuyên truyền các nội dung cơ bản của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017; quy định của pháp luật về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đến sức khỏe và đời sống của con người; những quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; chính sách pháp luật về hôn nhân và gia đình....
Việc xây dựng tủ sách pháp luật tại các chùa Khmer và tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các điểm Chùa Khmer góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, trình độ hiểu biết pháp luật của người dân, nhất là người dân tộc Khmer, hạn chế các vụ vi phạm pháp luật và đơn thư khiếu kiện vượt cấp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Qua đó, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng, thời gian tới, Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục quan tâm trang bị tủ sách pháp luật tại các Chùa Khmer; tăng cường đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong đó, chú trọng công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý để phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu, sử dụng pháp luật của cán bộ và nhân dân vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer. Đồng thời, tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương./.
Nguyễn Thị Tâm
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật