Tổ chức tín dụng nêu tại Thông tư này bao gồm các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và tổ chức tín dụng hợp tác. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan. Một trong những nguyên tắc của việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng là phải đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, đặc biệt quyền lợi của người gửi tiền tại từng tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập, hợp nhất, mua lại.
Việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng được thực hiện dưới các hình thức: ngân hàng, công ty tài chính, tổ chức tín dụng hợp tác sáp nhập vào một ngân hàng; công ty tài chính sáp nhập vào một công ty tài chính; công ty cho thuê tài chính sáp nhập vào một công ty cho thuê tài chính; ngân hàng được hợp nhất với ngân hàng, công ty tài chính, tổ chức tín dụng hợp tác để thành một ngân hàng; các công ty tài chính hợp nhất thành một công ty tài chính; các công ty cho thuê tài chính hợp nhất thành một công ty cho thuê tài chính; một ngân hàng được mua lại công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính; một công ty tài chính được mua lại công ty cho thuê tài chính.
Các tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập, hợp nhất, mua lại có thể sử dụng dịch vụ tư vấn; chuyên gia tư vấn phải là tổ chức được phép cung cấp dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, không đồng thời tư vấn cho tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập, hợp nhất, mua lại và được hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập, hợp nhất, mua lại xác nhận không có quan hệ tài chính có thể dẫn đến xung đột về lợi ích với các tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập, hợp nhất, mua lại.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 241/1998/QĐ-NHNN5 ngày 15/7/1998 ban hành Quy chế sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng cổ phần Việt Nam của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Lê Văn Nhật