Với vị thế là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, Thủ đô Hà Nội đã không ngừng chủ động, sáng tạo, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong công cuộc phát triển đó, không thể không nhắc đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của thành phố. Năm 2024, UBND thành phố đã có nhiều thành tích nổi bật trong công tác này.
Năm 2024, đánh dấu sự ra đời của Luật Thủ đô, được Quốc hội thông qua ngày 28/6/2024, mang lại cơ hội phát triển xứng tầm cho Thủ đô Hà Nội. UBND thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ngay từ khâu dự thảo và theo suốt tiến trình xây dựng Luật Thủ đô. Qua đó giúp người dân, doanh nghiệp nắm bắt kịp thời chính sách pháp luật từ khâu soạn thảo đến khi được thông qua và thi hành. Từ Thành phố đến cơ sở đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền phổ biến Luật Thủ đô cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân trên địa bàn; phối hợp các cơ quan báo chí lan tỏa sâu rộng hơn nữa các quy định thiết thực đến mọi tầng lớp nhân dân dưới nhiều hình thức: Báo hình, báo nói, báo giấy, báo điện tử, các fanpage, zalo…Công tác truyền thông chính sách được đẩy mạnh bằng các hình thức phù hợp với đối tượng, địa bàn, đặc biệt, thành phố quan tâm tổ chức tiếp nhận, giải trình, xử lý thông tin góp ý, phản hồi, phản biện xã hội đối với dự thảo chính sách; lấy ý kiến rộng rãi đối với các dự thảo chính sách có tác động lớn tới xã hội. Bên cạnh đó, thành phố cũng đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về trật tự văn minh đô thị, trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng chống tham nhũng…
Thực hiện Luật PBGDPL, thành phố thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Hiện nay, cấp thành phố có 252 báo cáo viên pháp luật, cấp huyện có 813 báo cáo viên pháp luật, cấp xã có 9.707 tuyên truyền viên pháp luật.
Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, năm 2024, các sở ban ngành, địa phương trên địa bàn thành phố sôi nổi tổ chức các hoạt động để nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong nhân dân. Đặc biệt, lần đầu tiên, thành phố chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Hội Người mù Hà Nội tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật dành riêng cho người khiếm thị, mang tên “Tuyên truyền viên pháp luật giỏi cho người khiếm thị trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024” đã thể hiện sự quan tâm của thành phố đối với người yếu thế trong xã hội, đồng thời, thể hiện sự quan tâm pháp luật của nhân dân thủ đô trong đó có cả đối tượng yếu thế.
Công tác PBGDPL trong nhà trường tiếp tục được nâng cao chất lượng. Thông qua các hoạt động sinh hoạt dưới cờ, câu lạc bộ, các buổi tọa đàm, hội thảo, hướng nghiệp… với sự tham gia của đông đảo các lực lượng từ công an thành phố, đoàn luật sư Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo đến các sở, ban, ngành khác, các em học sinh được bồi dưỡng, cập nhật thêm kiến thức pháp luật, các kỹ năng xử lý tình huống phù hợp với từng lứa tuổi.
Thực hiện kế hoạch tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2022-2027 của thành phố, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng/Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị qua mạng xã hội… được triển khai sâu rộng, đã đăng tải khoảng 5.000 tin bài phản ánh hoạt động PBGDPL của thành phố; tài khoản Zalo “Sở Thông tin & Truyền thông thành phố Hà Nội” đã đăng tải 19 tin bài tuyên truyền về Luật Thủ đô đến hơn 2,5 triệu lượt tiếp cận tài khoản người dùng zalo. Lần đầu tiên, Sở Tư pháp xây dựng và phát hành 06 đầu sách điện tử dưới hình thức sách nói và sách nói kết hợp video tuyên truyền về Luật Căn cước, Luật Dân chủ ở cơ sở, pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình…
Với nhiều cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật, năm 2024, trên địa bàn thành phố đã áp dụng một số mô hình PBGDPL hiệu quả như: Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật qua Trang thông tin điện tử PBGDPL thành phố; mô hình “Phiên toàn giả định”, câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, các mô hình “Học sinh Thủ đô với pháp luật”, “Luật sư Thủ đô với công tác hòa giải ở cơ sở”, “Tổ phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý”…bên cạnh việc triển khai các mô hình, việc tổ chức các hoạt động phổ biến theo hình thức truyền thống được duy trì, Hội đồng phối hợp PBGDPL thành phố đã tổ chức 593 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hơn 174.000 lượt người tham dự, tổ chức 04 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với gần 45.000 người dự thi, phát hành 106.111 tài liệu PBGDPL.
Năm 2024, công tác hòa giải ở cơ sở của thành phố được quan tâm triển khai, thành phố đã tổ chức 20 hội nghị tập huấn cho 5.000 hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn thành phố, giúp đội ngũ hòa giải viên giải quyết kịp thời, hiệu quả các tranh chấp mâu thuẫn thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở; phát hành sổ tay điện tử (sách nói) nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ công chức làm công tác hòa giải và các hòa giải viên; tiếp tục duy trì mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”; … Toàn thành phố hiện nay có 5.151 tổ hòa giải với tổng số 33.208 hòa giải viên, 10 tháng đầu năm 2024, toàn thành phố tiếp nhận 2.456 vụ việc hòa giải, trong đó hòa giải thành 2.153 vụ việc, đạt 89%.
Về đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, thành phố đã tổ chức hội thảo tháo gỡ khó khăn vướng mắc một số quy định về cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và liên quan đến tiêu chí “tiếp cận pháp luật” trong đánh giá nông thôn mới. Năm 2023, có 555/579 cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt 96%. Hiện nay, các địa phương đang tiến hành đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định.
Với những kết quả đạt được nêu trên, công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở của thành phố Hà Nội đã bám sát chủ đề công tác năm của thành phố “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, qua đó góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Hoàng Việt Hà
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật