Lào Cai chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù, yếu thế

Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, có diện tích tự nhiên đứng thứ 19/63 tỉnh, thành trong cả nước; dân số 730.420 người, gồm 25 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 66,2% dân số toàn tỉnh. Xuất phát từ tỷ lệ đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và địa hình miền núi chia cắt, ít có khả năng tiếp cận pháp luật, vì vậy việc nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế luôn được tỉnh Lào Cai quan tâm, ưu tiên nguồn lực triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho nhóm đối tượng này.

Để công tác tuyên truyền đi vào thực chất, thông tin pháp luật đến được đối tượng thụ hưởng yếu thế, trong năm 2024, các cơ quan trên địa bàn tỉnh Lào Cai như: Tư pháp, Biên phòng, Dân tộc, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại vụ, Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, các địa phương vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã phối hợp chặt chẽ triển khai công tác PBGDPL và tổ chức nhiều hoạt động với nhiều kết quả nổi bật như:
Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai đã tổ chức 27 Hội nghị tập huấn, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho 2.944 người là bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, người có uy tín, các tổ chức đoàn thể quần chúng tại xã Cốc Mỳ, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, huyện Mường Khương; tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh thành lập Ban chỉ đạo tổ chức Hội thi Tìm hiểu pháp luật dành cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện: Bắc Hà, Mường Khương và thị xã Sa Pa; hướng dẫn các huyện, thị xã,thành phố thành lập đội thi với hình thức sân khấu hoá. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm tăng cường hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc thực thi chính sách, pháp luật, phát triển kinh tế, ổn định đời sống xã hội. Đồng thời nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, người dân trong thực thi pháp luật.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức chuỗi các hoạt động truyền thông về phòng, chống mua bán người và 12 hội nghị tuyên truyền pháp luật về phòng, chống mua bán người, xâm hại trẻ em cho gần 1.000 hội viên, phụ nữ, nhân dân tại 12 xã biên giới; tổ chức Hội thi các mô hình sáng tạo và hiệu quả thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em năm 2024. Hội thi có 09 đội thi đến từ 09 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Lào Cai, với hơn 100 thí sinh.
Sở Văn hoá và Thể thao tổ chức 15 lớp tập huấn về phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng 15 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình với gần 500 người tham gia; hướng dẫn xây dựng hương ước, quy ước tại 10 xã gắn với bảo vệ rừng, thực hiện nếp sống văn minh với hơn 600 người tham dự; tổ chức 09 lớp tập huấn triển khai mô hình câu lạc bộ phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống với hơn 500 người tham gia.
Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ PBGDPL
Sở Tư pháp tổ chức 06 Hội nghị (03 Hội nghị phổ biến kiến thức pháp luật và kỹ năng phổ biến văn bản mới về chính sách pháp luật dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn cho 333 đại biểu là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố trên địa bàn các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Bảo Yên; 03 Hội nghị chỉ đạo điểm phổ biến chính sách pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn cho 135 đại biểu là tuyên truyền viên của xã và các chức danh: Bí thư, trưởng ban công tác mặt trận, chi hội trưởng chi hội phụ nữ, đại diện một số hộ gia đình tại các xã: Tả Ngải Chồ huyện Mường Khương; Tả Van Chư huyện Bắc Hà; Minh Tân huyện Bảo Yên; cấp phát hơn 600 bộ tài liệu cho các đại biểu tham dự.Năm 2024, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã phối hợp tổ chức lồng ghép, đối thoại 684 buổi tuyên truyền cho 56.688 lượt người là cán bộ thôn, người có uy tín, thanh niên, phụ nữ, học sinh, nhân dân; in 49 pa-nô, áp phích về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; in 2.418 tờ rơi; xuất bản tin, bài ảnh tuyên truyền về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết  thống đăng  tải  trên  Cổng  thông  tin  điện  tử; xây dựng 05 chuyên  đề  về phòng, chống tảo hôn, tổ chức 370 hội nghị tuyên truyền cho 31.571 lượt người là cán bộ thôn, người có uy tín, thanh niên, phụ nữ, người dân. Nội dung tập trung vào Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới và các tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; các quy định về xử vi phạm hành chính, hình sự liên quan đến công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Việc PBGDPL cho các đối tượng đặc thù, yếu thế không chỉ thông qua việc thực hiện/lồng ghép thực hiện các chương trình, đề án về PBGDPL mà còn thông qua việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn khác của cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các nhiệm vụ như: Xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chương trình phòng, chống tội phạm; hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em, Tháng hành động về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới… Nhiều hình thức PBGDPL cho đối tượng đặc thù được triển khai như: Phổ biến pháp luật trực tiếp, tổ chức hội thi, phiên tòa giả định, phát hành tài liệu pháp luật, tuyên truyền trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng,...
Công tác xây dựng và duy trì triển khai các hoạt động tại mô hình điểm: Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh tiếp tục củng cố hoạt động tại 19 mô hình can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; cấp huyện, cấp xã thực hiện duy trì hoạt động của 121 Câu lạc bộ, mô hình điểm; các Mô hình, Câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt định kỳ theo quy chế xây dựng; thường xuyên cập nhật kiến thức mới, phối hợp tổ chức tuyên truyền các nội dung thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường cũng được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Lào Cai quan tâm thực hiện ( Ảnh trái); Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị giới thiệu, phổ biến và quán triệt các văn bản pháp luật mới (ảnh phải)
 

Năm 2024, bám sát chỉ đạo của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai đã tham mưu UBND tỉnh và Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành 26 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; các doanh nghiệp sở hữu vốn nhà nước đóng trên địa bàn và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai công tác PBGDPL năm 2024 phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương và nhiệm vụ cấp trên giao. Việc triển khai các văn bản pháp luật mới được chú trọng thực hiện. Trong năm 2024, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Lào Cai đã tổ chức 04 hội nghị giới thiệu, phổ biến và quán triệt các văn bản pháp luật mới, cấp phát 916 bộ tài liệu tuyên truyền cho tổng số 916 đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể là thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh; tổ thư ký Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, huyện….trên cơ sở Hội nghị của hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện, ngành đã tổ chức 17.661 cuộc PBGDPL cho 2.443.594 lượt người. Tổ chức 34 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thu hút 405.372 lượt người tham dự. Biên soạn, phát hành 139.525 tài liệu thông tin, truyên truyền pháp luật các loại gồm tin bài phát trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở, xe thông tin lưu động, phương tiện thông tin đại chúng, internet; tờ rơi, tờ gấp, hỏi đáp tìm hiểu pháp luật...với tổng kinh phí là trên 12,5 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PBGDPL năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai vẫn còn một số hạn chế nhất định như: Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL tuy đã được các ngành, các cấp quan tâm triển khai, nhưng chủ yếu tập trung tại các khu vực đô thị. Số lượng tin, bài, tài liệu được cập nhật trực tuyến chiếm tỷ lệ thấp so với số lượng các tài liệu PBGDPL được phát hành; một số đơn vị chưa xác định hoạt động PBGDPL theo ngành, lĩnh vực phụ trách là một nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý Nhà nước nên công tác PBGDPL trong một số lĩnh vực chưa đạt hiệu quả cao, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào cơ quan Tư pháp cùng cấp; đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật tuy đã được củng cố, kiện toàn, nhưng kỹ năng, nghiệp vụ, trình độ còn hạn chế.
Trong năm 2025, để phát huy hơn nữa hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn, tỉnh Lào Cai cần chú trọng bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương, tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành, đoàn thể, Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện phát huy vai trò chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc việc triển khai công tác PBGDPL; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án về PBGDPL, đẩy mạnh xã hội hoá, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác PBGDPL./.
Hoàng Việt Hà
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật