Sở Tư pháp các địa phương đã tổ chức nhiều hội nghị để nghiên cứu, quán triệt nội dung Chiến lược CCTP đến toàn thể cán bộ, công chức trong ngành và xây dựng các Chương trình/ Kế hoạch triển khai Chiến lược cải cách tư pháp của ngành ở địa phương (48 tỉnh và 49 Sở Tư pháp ban hành Chương trình/ Kế hoạch). Một số Sở còn chỉ đạo Phòng Tư pháp, các đơn vị thuộc Sở xây dựng kế hoạch của đơn vị. Nhìn chung các Kế hoạch/Chương trình triển khai NQ49 của các cơ quan tư pháp địa phương đã bám sát yêu cầu của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TƯ, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Cùng với các phương tiện thông tin đại chúng của ngành, các đài phát thanh, truyền hình của các tỉnh, thành phố cũng đã tận dụng tốt ưu thế trong việc tuyên truyền NQ49. Các băng tiếng, băng hình với các tình huống pháp luật cụ thể do Bộ Tư pháp xây dựng đã được các địa phương sử dụng tuyên truyền đem lại hiệu quả cao. Việc tuyên truyền thông qua Internet đã có bước tiến đáng kể. Trang thông tin điện tử của một số địa phương đã thường xuyên cập nhật thông tin về hoạt động tư pháp.
Nhiều Sở Tư pháp đã kết hợp với việc tổ chức Hội nghị tổng kết - triển khai công tác tư pháp hàng năm để định kỳ nhận xét đánh giá kết quả thực hiện NQ49, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, xác định đầy đủ hơn trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị để có giải pháp và định hướng trong giai đoạn tiếp theo (như TP. HCM, Quảng Ngãi, Gia Lai, An Giang, Ninh Thuận, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp, An Giang, Bình Định, Phú Yên...). Để chỉ đạo sát sao, lãnh đạo Sở Tư pháp đã phân công từng đồng chí chịu trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi việc thực hiện NQ49 ở các cấp (TP.HCM) hoặc trực tiếp làm việc với huyện uỷ, thành uỷ phối hợp chỉ đạo thực hiện NQ49 ở cấp huyện và xã (Gia Lai) hay lập kế hoạch tăng cường phối hợp với các cơ quan khác trong việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, nhất là về công tác thi hành án dân sự (Ninh Thuận).
Tuy nhiên, một số Sở Tư pháp mới chỉ tổ chức quán triệt đến cán bộ lãnh đạo các phòng ban thuộc Sở, Trưởng Phòng Tư pháp cấp huyện, Trưởng Thi hành án dân sự mà chưa đến được với mọi cán bộ công chức, nhất là công chức tư pháp xã - nơi phải trực tiếp tiến hành nhiều nội dung cải cách. Chương trình hành động của một số địa phương (kể cả chương trình hành động của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh và các ngành, các cấp trong tỉnh) thường mang tính “mô phỏng” chương trình hành động của cấp trên. Các nhiệm vụ, nội dung cải cách tư pháp của một số cơ quan tư pháp địa phương đề ra còn chung chung, thiếu các nhiệm vụ trọng tâm, thiếu sự phân công trách nhiệm rõ ràng, thiếu các biện pháp, giải pháp cụ thể, sáng tạo, nhất là các giải pháp mang tính đột phá, nên kết quả đạt được chưa được như mong muốn.
Hoàng Thư