Một số kết quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2024

Thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2024 của Chính phủ quy định chi tiết các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, UBND tỉnh Bình Thuận đã sớm ban hành các văn bản triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn. Trên cơ sở đó, các cơ quan, địa phương đã thực hiện nhiều hoạt động dưới nhiều hình thức và đạt nhiều kết quả đáng chú ý.

Theo đó, các cơ quan, địa phương đã ban hành các văn bản, kế hoạch triển khai thực hiện; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc lồng ghép nội dung hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các kế hoạch hàng năm theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ của cơ quan và địa phương.
Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được các cơ quan, đơn vị quan tâm, chỉ đạo triển khai đồng bộ, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nội dung phù hợp với tình hình thực tế của địa phương thông qua các hội nghị, cấp phát tài liệu, đăng tải thông tin pháp luật trên Trang thông tin điện tử của ngành, địa phương, niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan; công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, công dân; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến ngành, lĩnh vực; tổ chức làm việc với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước trong các lĩnh vực cụ thể...
Các Sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai, phổ biến các luật như: Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Đất đai… và các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện cho công chức, viên chức làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố; đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp; cán bộ pháp chế hoặc người được phân công làm công tác pháp luật tại một số doanh nghiệp. Trong đó, có thể kể đến một số hội nghị như hội nghị tập huấn “Phổ biến các quy định pháp luật về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu” cho Công ty Cổ phần xăng dầu dầu khí 3 Bình Thuận và Công ty TNHH MTV xăng dầu Bình Thuận; tổ chức 08 hội thảo, hội nghị tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước và các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực công thương quản lý trên địa bàn; Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa – Sở Kế hoạch và Đâu tư đã triển khai 02 Hội nghị tập huấn về kiến thức pháp luật và hội nhập kinh tế quốc tế cho cho các sở, ngành, Hiệp hội và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với các chuyên đề: “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024: Cơ hội, thách thức – Doanh nghiệp Bình Thuận chủ động, linh hoạt, thích ứng, vượt khó để phát triển bền vững” và khóa tập huấn “Những kiến thức mới tại Luật Đấu thầu 22/2023/QH15 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu”... Các cơ quan cấp huyện phối hợp với các sở, ngành tổ chức các buổi tuyên truyền về nội dung Bộ luật Lao động, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm....cho người lao động và người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện giao dịch điện tử, kê khai biểu mẫu điện tử về lĩnh vực thu và chi trả bảo hiểm xã hội; tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính…
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã phối hợp với các sở, ngành xây dựng các Chương trình phỏng vấn, tọa đàm, phóng sự phát trong Chương trình “Pháp luật và Cuộc sống” trên Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận; lựa chọn những nội dung cơ bản của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp giới thiệu trong Chuyên mục “Mỗi tuần một điều luật” đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Sở.
Trên Website các cơ quan và địa phương duy trì hoạt động và thường xuyên theo dõi tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của tổ chức doanh nghiệp, cá nhân tại chuyên mục “Hỏi - Đáp” trên Trang thông tin điện tử, tiếp nhận thắc mắc qua nhiều kênh như điện thoại, email và trực tiếp, đảm bảo xử lý nhanh chóng mọi câu hỏi của doanh nghiệp. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, các cơ quan và địa phương chủ động chuyển hoặc kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền cao hơn hoặc giới thiệu doanh nghiệp đến các đơn vị tư vấn pháp lý chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp;
Các Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh đã tăng cường công tác gặp gỡ, đối thoại với nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc theo quy định pháp luật, tạo điều kiện cho các công trình, dự án đẩy nhanh tiến độ, sớm đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến ngày 20/10/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực Tổ 1279) tiếp nhận kiến nghị của 63 nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; trong đó, có 35 trường hợp trực tiếp xử lý, 02 trường hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết (UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo, xử lý) và 25 trường hợp chuyển các cơ quan khác giải quyết theo thẩm quyền quy định.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh gắn với việc nêu cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc giải quyết các yêu cầu, kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp; thường xuyên kiểm tra, xử lý các cán bộ, công chức, viên chức để xảy ra chậm trễ, gây phiền hà; chú trọng tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nhân do phụ nữ làm chủ, doanh nhân trẻ, doanh nhân hoạt động ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn.
Bên cạnh đó, việc triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như nhận thức về vai trò, ý nghĩa của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp còn hạn chế, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ; nhiều doanh nghiệp chưa có thói quen áp dụng pháp luật để phòng, chống rủi ro trong kinh doanh; cán bộ, công chức thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại một số cơ quan, địa phương chủ yếu làm việc kiêm nhiệm, hạn chế về số lượng và chuyên môn nên hoạt động hỗ trợ pháp lý tại một số địa bàn chưa đạt hiệu quả tốt. Chương trình bồi dưỡng chưa thực sự phong phú, một số nội dung chưa cập nhật sát với thực tế, chưa thu hút được đông đảo đối tượng tham gia; thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý.
Để nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tỉnh Bình Thuận đề xuất Bộ Tư pháp thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương; xây dựng một hệ thống thông tin về pháp luật và chính sách hỗ trợ dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp doanh nghiệp dễ dàng tra cứu thực hiện./.
Thanh Trang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật