Bắc Giang nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Thực hiện mục tiêu cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó hoạt động hỗ trợ pháp lý được ngành Tư pháp chú trọng tham mưu thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, giúp doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, hiệu quả.

Theo thống kê đến cuối năm 2024, Bắc Giang hiện có hơn 17.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực, trong đó đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế về nguồn lực, thường chú trọng vào sản xuất, kinh doanh và chưa có giải pháp phòng ngừa rủi ro pháp lý. Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp luật liên tục thay đổi, điều chỉnh, bổ sung, do đó, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp rất cần thiết.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các thông tin pháp luật, ngành Tư pháp tỉnh luôn quan tâm thực hiện hoạt động hỗ trợ với nội dung đa dạng. Trong đó, Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang, cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh (PBGDPL) đã tham mưu chỉ đạo các ngành Ủy viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL các huyện, thành phố lồng ghép tuyên truyền Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2018, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, Quyết định số 81/QĐ-TTg, Quyết định số 345/QĐ-TTg và các văn bản có liên quan bằng hình thức phù hợp, đảm bảo hiệu quả công tác tuyên truyền. Hàng quý, ban hành văn bản định hướng nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cho các ngành thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL, Báo cáo viên pháp luật tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL các huyện thành phố, trong đó, có nội dung hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.  
Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang thực hiện nghiêm túc việc tuyên truyền đến doanh nghiệp nhỏ và vừa để khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; Hệ thống thông tin pháp luật tỉnh Bắc Giang. Cập nhật 100% văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; cập nhật đầy đủ các văn bản QPPL thuộc lĩnh vực tư pháp lên Cổng thông tin điện tử của Sở. Tính đến thời điểm hiện tại, cập nhật 20.805 văn bản của trung ương, 1.027 văn bản của tỉnh, 2.181 câu hỏi - đáp pháp luật, 232 đề cương tuyên truyền pháp luật; 2.023 tin văn bản pháp luật mới trên Hệ thống Thông tin pháp luật tỉnh Bắc Giang, Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tra cứu, tìm hiểu các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Biên soạn 12 tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật; 08 tờ rơi, tờ gấp, infographic cấp phát cho các doanh nghiệp và cán bộ, công chức, người dân trên địa bàn tỉnh. Sở Tư pháp đồng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tổ chức buổi đối thoại, tọa đàm với doanh nghiệp về PCI đối với chỉ số thành phần “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự” trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cho gần 100 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và trong khu công nghiệp.
Các cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và giải đáp, hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý khi doanh nghiệp đề nghị. Điển hình, như: Ban Quản lý khu công nghiệp cập nhật đầy đủ nội dung trên chuyên mục Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử. Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức treo 65 băng zôn, 40 pano; 01 phóng sự. Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng hệ thống Cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Bắc Giang, hoàn thiện cơ sở dữ liệu địa chính của 122/122 xã, phường thị trấn…
Các hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật được tổ chức hiệu quả. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh tổ chức 2 Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật về đất đai; thỏa thuận, ký kết, thực hiện hợp đồng, một số vấn đề pháp lý nhìn từ thực tiễn giải quyết tranh chấp cho trên 300 chủ doanh nghiệp; người làm pháp chế. Phối hợp tổ chức 3 Hội nghị trực tuyến ở cả 03 cấp trong toàn tỉnh các quy định pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản cho cán bộ, công chức và các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực trên.
Một số cơ quan có nhiều hoạt động tư vấn cho doanh nghiệp như: Ban Quản lý khu công nghiệp tập trung cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong các KCN tỉnh; tăng cường hỗ trợ và hướng dẫn thủ tục hành chính; xây dựng video hướng dẫn thủ tục hành chính, biên soạn 10 thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, cắt giảm 10-30% thời gian giải quyết đối với 22/26 TTHC thuộc thẩm quyền; thực hiện quy trình 5 bước trên môi trường điện tử ”ký số, chuyển điện tử, in kết quả, đóng dấu, trả kết quả” đối với 7 TTHC tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. Tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp để nắm bắt nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc và đề xu t kiến nghị của doanh nghiệp KCB. Đa dạng hóa các hình thức tư vấn, trao đổi, hỗ trợ về pháp lý cho doanh nghiệp; thường xuyên trao đổi qua điện thoại, zalo, email hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp liên quan đến pháp luật.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên phối hợp với Đoàn Luật sư tỉnh trong hoạt động tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trong trường hợp cần thiết. Thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, các doanh nghiệp được hướng dẫn, trao đổi, giải đáp những vấn đề vướng mắc liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và những vấn đề quản lý nhà nước của cơ quan có thẩm quyền ở địa phương; từ đó hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Những nỗ lực trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Song, thẳng thắn nhìn nhận cũng cho thấy, công tác hỗ trợ pháp lý gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu vụ việc, vướng mắc pháp lý. Đội ngũ công chức làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn ít về số lượng, chưa thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật và kỹ năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số thiếu kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm thực tế nên hiệu quả hoạt động chưa tốt. Nhận thức về vai trò, ý nghĩa của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số bộ phận chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp còn hạn chế, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ. Nhiều doanh nghiệp chưa có thói quen áp dụng pháp luật để phòng, chống rủi ro trong kinh doanh. Đây chính là rào cản vô hình gây khó khăn trong việc phối hợp triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
                                                                                                          Anh Tú
Cục PBGDPL