Hà Nam triển khai đồng bộ giải pháp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Nghị định 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ quy định chi tiết về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là cơ sở pháp lý quan trọng để chính quyền các địa phương triển khai đồng bộ những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng. Với tỉnh Hà Nam, thời gian qua, chính quyền các cấp đã quan tâm chú trọng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Để đảm bảo sự chủ động, thống nhất trong công tác chỉ đạo, triển khai và phối hợp thực hiện có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hàng năm UBND tỉnh Hà Nam xây dựng kế hoạch thực hiện với những nội dung cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Riêng trong năm 2025, UBND tỉnh Hà Nam ban hành kế hoạch số 136/KH-UBND ngày 17/1/2025 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Kế hoạch đã phân công rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc tham gia tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2025.
Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hà Nam được thực hiện dưới nhiều hình thức, trong đó nổi bật như ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện, hỗ trợ cung cấp thông tin, hỗ trợ tập huấn, hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính, tư vấn, giải đáp pháp luật..
100% văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh Hà Nam ban hành đều được cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật. Các chính sách, thông tin liên quan đến hoạt động đầu tư đều được công khai trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố. Nội dung hệ thống chính sách, thông tin liên quan đến hoạt động đầu tư tập trung giới thiệu, phản ánh một số vấn đề trọng tâm như: Thông tin kinh tế - xã hội của tỉnh (được cập nhật hằng tháng, hằng quý, 6 tháng và hằng năm); Bản đồ tổng thể các đồ án quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt; Thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong và ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Bảng giá đất hằng năm trên địa bàn tỉnh; Danh mục và thông tin các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh; Thông tin về kế hoạch, chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh; Các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của tỉnh; Các văn bản pháp luật của Trung ương và của tỉnh liên quan đến doanh nghiệp...
UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo Sở Tư pháp thường xuyên giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật mới, biên tập những tài liệu pháp luật liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa đăng tải trên chuyên trang Phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh, nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tra cứu văn bản, tiếp cận thông tin.
Công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng quản trị doanh nghiệp với tổng số được chú trọng. Nội dung các lớp đào tạo, bồi dưỡng tập trung vào một số chuyên đề như: Khởi sự doanh nghiệp; hoạch định chiến lược kinh doanh; quản trị nhân sự, quản trị tài chính; kỹ năng và điều hành; phổ biến Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và văn bản hướng dẫn thi hành; phổ biến chính sách pháp luật về thuế….
Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nói riêng khi thực hiện thủ tục hành chính, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành thường xuyên rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính; hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Qua đó, đã cắt giảm thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm thời gian xử lý hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư; cắt giảm thời gian xử lý hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án… Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng thường xuyên giải đáp, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức như: tư vấn trực tiếp; giải đáp bằng văn bản; tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp... Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh cũng đã bố trí cán bộ trực và hỗ trợ để giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện lồng ghép, kết hợp hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp và các hoạt động quản lý nhà nước khác.
Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả hệ thống văn bản pháp luật; tạo điều kiện cho doanh nghiệp đóng góp ý kiến, tham gia xây dựng pháp luật; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật, giúp doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, tăng cường năng lực cạnh tranh lành mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh cũng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Hệ thống VBQPPL trong các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, quy hoạch… liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn có một số quy định chồng chéo, bất cập, mâu thuẫn, chưa phù hợp với thực tiễn, làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đội ngũ công chức thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu thường xuyên nên kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về lĩnh vực pháp luật chuyên ngành còn hạn chế. Hiệu quả tư vấn pháp luật của các tổ chức dịch vụ pháp lý còn có mặt chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Việc bố trí kinh phí dành cho chương trình hỗ trợ pháp lý đối với DNNVV còn hạn chế. Về phía đối tượng được thụ hưởng hỗ trợ pháp lý - các DNNVV - vẫn còn tồn tại thực trạng nhiều doanh nghiệp chủ yếu chỉ quan tâm đến những chi phí trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa quan tâm thỏa đáng đến những chi phí gián tiếp (như chi phí dịch vụ pháp lý, đội ngũ pháp chế…). Số lượng doanh nghiệp chủ động tra cứu, tìm hiểu pháp luật tại các trang cơ sở dữ liệu về pháp luật còn thấp.
Từ thực tế trên, để công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV thực sự đạt hiệu quả thiết thực hơn nữa, thời gian tới, chính quyền địa phương cần tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đổi mới cách tiếp cận và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đẩy mạnh triển khai hoạt động truyền thông theo hướng chuyên nghiệp, phù hợp, hiệu quả.
                                                                                                Anh Tú
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật