Trong giai đoạn 2021–2025, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm có tổ chức và tội phạm xuyên quốc gia.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tội phạm có tổ chức và tội phạm xuyên quốc gia đang nổi lên như những thách thức nghiêm trọng đối với an ninh, trật tự xã hội. Tỉnh Bắc Ninh, với vị trí địa lý và điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù, không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của các loại hình tội phạm này. Trước thực tiễn đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) về phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia đã được tỉnh đặc biệt chú trọng triển khai trong giai đoạn 2021–2025, mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần củng cố ý thức pháp luật trong cộng đồng và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự.
Nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch 1666/KH-UBND ngày 07/6/2021 của UBND tỉnh Bắc Ninh về phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia giai đoạn 2021-2025, công tác này của tỉnh chủ yếu được thực hiện thông qua công tác PBGDPL trong cán bộ, Nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật đúng đắn, hình thành thói quen, nếp sống tuân thủ pháp luật, cảnh giác, đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia trên địa bàn. Sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là vai trò chủ động của Ban Chỉ đạo công tác PBGDPL của tỉnh, đã giúp công tác này được triển khai bài bản, có trọng tâm, trọng điểm. Các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với nhau để tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, nhất là tại các địa bàn phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm xuyên quốc gia như khu công nghiệp, vùng nông thôn giáp ranh, khu vực tập trung đông lao động nhập cư.
Việc đổi mới hình thức tuyên truyền là một trong những điểm nhấn nổi bật trong công tác PBGDPL tại Bắc Ninh. Thay vì chỉ dựa vào các hình thức truyền thống như hội nghị, phát tờ rơi hay hệ thống loa phát thanh cơ sở, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và phương tiện truyền thông hiện đại để mở rộng phạm vi và đối tượng tiếp cận. Các chuyên mục pháp luật trên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, báo Bắc Ninh, các trang thông tin điện tử được duy trì đều đặn, nội dung phong phú, thiết thực. Song song với đó, các hoạt động trực tiếp như hội thảo, tọa đàm pháp luật, lớp tập huấn cho cán bộ và người dân được tổ chức thường xuyên với nội dung bám sát thực tế, tạo điều kiện để người dân hiểu đúng, nắm chắc và vận dụng pháp luật trong đời sống hàng ngày.
Trong vòng 5 năm, toàn tỉnh đã tổ chức hơn 6.000 cuộc tuyên truyền pháp luật, thu hút gần 2.000.000 lượt người tham gia là cán bộ, đảng viên và Nhân dân ở cơ sở; cấp phát hơn 1.100.000 tài liệu PBGDPL, trong đó có 96.136 tài liệu được đăng tải trên internet... Đây là những con số ấn tượng thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm của chính quyền các cấp cũng như sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của người dân đối với công tác này. Các nội dung được tuyên truyền chủ yếu liên quan đến pháp luật về hình sự, phòng chống ma túy, mua bán người, an ninh mạng, xuất nhập cảnh trái phép, di cư bất hợp pháp và các điều ước quốc tế có liên quan. Thông qua các hoạt động đó, người dân từng bước nâng cao nhận thức pháp luật, trở nên chủ động hơn trong việc phòng ngừa, phát hiện và tố giác tội phạm. Đồng thời, nhiều mô hình tuyên truyền sáng tạo, hiệu quả cũng đã được hình thành, nhân rộng, tạo chuyển biến tích cực trong toàn xã hội. Có thể thấy rằng, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều cố gắng trong việc hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao, công tác lãnh đạo, chỉ đạo được chú trọng đổi mới hình thức, nội dung, định hướng công tác đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Công tác PBGDPL tạo ra sự chuyển biến quan trọng về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia.
Bên cạnh đó, công tác PBGDPL tại Bắc Ninh vẫn còn một số tồn tại nhất định. Ở một vài địa phương, công tác này chưa thực sự được quan tâm đúng mức, thiếu sự đầu tư cả về nhân lực và kinh phí. Một số cán bộ làm công tác tuyên truyền chưa được đào tạo chuyên sâu, dẫn đến chất lượng truyền đạt còn hạn chế, chưa tạo được sức hấp dẫn, thuyết phục. Nội dung tuyên truyền đôi khi còn khô cứng, mang tính hình thức, chưa phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể, đặc biệt là thanh thiếu niên, công nhân trong các khu công nghiệp – những đối tượng dễ bị tác động bởi các hoạt động tội phạm xuyên quốc gia. Ngoài ra, công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả của hoạt động PBGDPL vẫn còn thiếu tính định lượng, chưa phản ánh đầy đủ được chuyển biến về ý thức pháp luật trong cộng đồng.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL về phòng, chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia trong thời gian tới, Bắc Ninh cần tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng gắn với công tác đảm bảo an ninh trật tự. Tỉnh cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, phát triển các nền tảng tuyên truyền pháp luật linh hoạt, thân thiện với người dùng, phù hợp với xu hướng truyền thông hiện đại. Cùng với đó, việc nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, đầu tư xây dựng các sản phẩm tuyên truyền trực quan, dễ hiểu, dễ nhớ cũng là những giải pháp cần được chú trọng. Bên cạnh đó, công tác phối hợp liên ngành, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tổ chức đoàn thể cũng cần được đẩy mạnh nhằm tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.
Những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2021–2025 cho thấy hiệu quả rõ rệt của công tác PBGDPL tại Bắc Ninh trong việc nâng cao nhận thức pháp luật và góp phần tích cực vào công tác phòng, chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia. Với tinh thần chủ động, sáng tạo và quyết tâm cao của các cấp, các ngành, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong việc xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, vì sự phát triển bền vững của địa phương và cả nước.
Nguyễn Thị Thạo – Lưu Thị Mai Anh
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật