Đánh giá kết quả, thực hiện quy định công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024 trên địa bàn thành phố Hải Phòng

Thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, thành phố Hải Phòng đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Để kịp thời triển khai thực hiện quy định công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024, Sở Tư pháp ban hành Kế hoạch số 400/KH-STP ngày 01/3/2024 về thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024 và theo dõi, đôn đốc thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố tập trung phổ biến những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành có nội dung về xây dựng, đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật.
Công tác truyền thông, phổ biến quy định về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng thực hiện, thông qua nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị phổ biến chuẩn tiếp cận pháp luật tại 03 huyện: Tiên Lãng, An Lão, Vĩnh Bảo; lồng ghép phổ biến thông qua các chương trình, đề án, kế hoạch khác do sở, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức; qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo, đài, truyền hình; biên soạn, phát hành 290 cuốn tài liệu về Tiêu chí, chỉ tiêu Tiếp cận pháp luật” trong Bộ tiêu chí đánh giá nông thôn mới; đăng tải các quy định, tin, bài về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên Cổng/Trang thông tin điện tử của các ngành, địa phương; tuyên truyền qua hệ thống Đài truyền thanh ở cơ sở; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam...
Thực hiện tiêu chí tiếp cận pháp luật đối với các xã nông thôn mới nâng cao, trên toàn địa bàn thành phố đã xây dựng 137 mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở, 137 mô hình về phổ biến, giáo dục pháp luật được Chủ tịch Ủy ban nhân dân và các đoàn thể cấp huyện tặng giấy khen, nhiều mô hình có sức lan tỏa, được nhân rộng. Ví dụ như mô hình "Địa chỉ tin cậy" tại các xã của huyện Thủy Nguyên, kết hợp hòa giải ở cơ sở với thực hiện hỗ trợ về pháp lý cho các đối tượng yếu thế trong cộng đồng; mô hình "Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật" tại quận An Dương và các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng... thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật, trang bị kiến thức pháp luật cho chị em phụ nữ kết hợp hỗ trợ chị em hội viên có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế gia đình...
Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo Sở Tư pháp hướng dẫn Ủy ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường, thị trấn hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí do Ngành Tư pháp phụ trách, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật; hướng dẫn đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật đối với các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện hình thành sau sắp xếp.
Việc triển khai xây dựng và đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật tại các địa phương đang ngày càng được chú trọng, đặc biệt là trong việc phân bổ, củng cố nguồn nhân lực để bảo đảm tính khách quan, chính xác và kịp thời trong quá trình thực hiện. Từ cấp xã đến cấp thành phố, hệ thống nhân sự phụ trách công tác tư pháp đã được kiện toàn theo hướng chuyên trách và rõ ràng về đầu mối, thể hiện quyết tâm của các cấp chính quyền trong việc đưa pháp luật đến gần hơn với đời sống người dân.
Tại cấp xã, phường, thị trấn, Ủy ban nhân dân đã phân công công chức Tư pháp - Hộ tịch làm đầu mối trực tiếp phụ trách lĩnh vực tư pháp tham mưu thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật. Đây là lực lượng chủ chốt trong việc theo dõi, tổng hợp, đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật tại địa bàn cơ sở. Công chức Tư pháp - Hộ tịch không chỉ đảm nhiệm công việc chuyên môn mà còn đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ người dân trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình.
Ở cấp huyện, công tác đánh giá được tổ chức bài bản thông qua việc thành lập Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật, do đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện làm Chủ tịch, đồng chí Trưởng phòng Tư pháp làm Phó Chủ tịch, cùng sự tham gia của trưởng các phòng, ban chức năng là thành viên. Sự phối hợp liên ngành trong Hội đồng không chỉ tăng cường tính minh bạch mà còn nâng cao hiệu quả trong việc xét duyệt hồ sơ công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật của các xã, thị trấn trên địa bàn.
Tại cấp thành phố, vai trò điều phối, chỉ đạo được giao cho Sở Tư pháp – cơ quan chuyên môn có năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp lý. Sở Tư pháp được phân công làm đầu mối thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như triển khai thông tin, truyền thông, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn chuyên môn cho cấp cơ sở; đồng thời giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện đánh giá, xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đặc biệt, một lãnh đạo của Sở Tư pháp còn được cử tham gia Hội đồng thẩm định, xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu cấp thành phố, thể hiện sự gắn kết giữa công tác pháp lý với các mục tiêu phát triển bền vững của địa phương.
Công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được Bộ Tư pháp quan tâm hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện và luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố. Nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và Nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật góp phần cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phát huy dân chủ ở cơ sở... từng bước được nâng cao. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đạt được kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; có nhiều giải pháp của Ủy ban nhân dân thành phố nhằm nâng cao chất lượng thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật đã được triển khai thực hiện, góp phần cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật của người dân.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật còn một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, trình độ, năng lực của công chức phụ trách công tác tham mưu thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật chưa đồng đều ở các địa phương. Tính chủ động của công chức được giao đánh giá tiêu chí tiếp cận pháp luật ở cấp cơ sở còn chưa cao, chưa kịp thời đề xuất các giải pháp, sáng kiến khắc phục những hạn chế, tồn tại. Đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp nhưng trên thực tế sự phối hợp, gắn kết giữa các cơ quan, đơn vị trong rà soát, đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đặc biệt ở cấp xã còn chưa kịp thời, thường xuyên, đồng bộ.
Trong thời gian tới, thành phố Hải Phòng sẽ tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó tập trung phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan mật thiết đến đời sống của người dân, đặc biệt là những văn bản liên quan đến Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, thực hiện đúng nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm trong việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của người dân, tăng cường dân chủ ở cơ sở, vận động nhân dân thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đức Khiêm
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý