Vắng bóng TTV là người nước ngoài
Thông qua kết quả giải quyết các tranh chấp mà TTV thực hiện, uy tín của trung tâm TTTM sẽ được khẳng định. Vì thế, lựa chọn được đội ngũ TTV có đủ phẩm chất và năng lực là điều kiện tiên quyết để trung tâm TTTM tồn tại và phát triển. Danh sách TTV còn là căn cứ để các trung tâm có thể tự tin cạnh tranh với nhau về hiệu quả giải quyết tranh chấp. Do vậy, LS.TS.Nguyễn Đình Thơ (TTV – Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam – VIAC) cho biết, pháp luật các nước không qui định tiêu chuẩn “cứng” đối với TTV mà chỉ qui định những trường hợp các bên được khước từ TTV, theo nguyên lý chung: “bất cứ ai được các bên tín nhiệm chọn đều có thể làm TTV”, Nhà nước không can thiệp.
So với pháp luật các nước, pháp luật trọng tài của Việt Nam qui định chặt chẽ hơn về điều kiện, tiêu chuẩn để trở thành TTV. Nhưng qui định này có một điểm hạn chế lớn là không cho phép người nước ngoài không được làm TTV tại các trung tâm TTTM của Việt Nam. GS.TSKH Đào Trí Úc cho rằng, qui định đó đã hạn chế quyền tự do lựa chọn các bên tranh chấp, đồng thời hạn chế sự tiếp cận của trọng tài Việt Nam đối với kinh nghiệm và thực tế giải quyết tranh chấp của trọng tài nước ngoài.
Trong thời kỳ hội nhập, trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại ngoài toà án phổ biến nhất, đặc biệt là đối với các giao dịch kinh doanh quốc tế. Nhưng hiện nay, các trung tâm TTTM ở nước ta không có TTV nào là người nước ngoài, trong khi thẩm quyền của trọng tài không chỉ giải quyết tranh chấp thương mại trong nước mà còn giải quyết cả những tranh chấp thương mại quốc tế. Đó là một trong những nguyên nhân khiến các bên tranh chấp mang quốc tịch nước ngoài ít khi lựa chọn các trung tâm TTTM Việt Nam giải quyết tranh chấp giữa họ với đối tác Việt Nam vì sợ sự thiên vị, thiếu khách quan. Báo cáo của VIAC cho thấy, năm 2005, 15/18 vụ giải quyết tại trung tâm có nguyên đơn là doanh nghiệp Việt Nam.
Hội nhập cả chất và lượng
Tuy nhiên, trong dự án Luật TTTM, các qui định về tiêu chuẩn và điều kiện của TTV cũng đã được nới lỏng. Khoản 1 Điều 17 Dự án Luật qui định: “Cá nhân, không phân biệt quốc tịch, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, vô tư, khách quan, khi có đủ một trong các điều kiện sau đây có thể là TTV: Có bằng đại học và đã qua thực tế công tác từ năm năm trở lên; Hoặc là thương nhân có kinh nghiệm thực tế từ năm năm trở lên”.
Với qui định “không phân biệt quốc tịch”, dự án Luật TTTM đã mở rộng điều kiện cho tất cả các cá nhân có đủ điều kiện tham gia hoạt động TTTM tại Việt Nam. Qui định là một tiến bộ đáng kể, góp phần vào sự phát triển hoạt động TTTM cả về chất và lượng. Trong hoạt động trọng tài, sự vô tư, khách quan là tiêu chí hàng đầu của TTV chứ không phải yếu tố quốc tịch. Hơn nữa, GS.TSKH Đào Trí Úc nhận định, TTV Việt Nam chủ yếu là các chuyên gia pháp lý, ít các nhà kinh tế có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm quản lý sản xuất kinh doanh giỏi nên đội ngũ TTV nước ta gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết những tranh chấp chuyên ngành cần đến kinh nghiệm thực tiễn kinh doanh. Vì thế, việc mời chuyên gia nước ngoài làm TTV không chỉ đảm bảo quyền định đoạt của các bên tranh chấp mà còn tăng tính cạnh tranh cho hoạt động trọng tài, giúp các TTV Việt Nam nâng cao trình độ trong quá trình hội nhập, thúc đẩy sự phát triển và tăng tính hấp dẫn của trọng tài Việt Nam.
Tuy nhiên, riêng về vấn đề điều kiện là TTV, LS.TS.Nguyễn Đình Thơ nhận đình rằng, nước ta vẫn chưa thể áp dụng tối đa quyền tự do lựa chọn TTV của các bên đương sự. Lý do được đưa ra là với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta, nếu mở rộng không giới hạn khả năng lựa chọn TTV sẽ dẫn đến tình trạng chất lượng phán quyết trọng tài không cao, thậm chí có thể bị Toà án bác nếu không đảm bảo về thủ tục tố tụng. Do vậy, trong thời gian trước mắt, TTV vẫn cần phải đáp ứng được các điều kiện nhất định theo luật định để có được một đội ngũ TTV thực sự có chất lượng, đáp ứng được các yêu cầu giải quyết tranh chấp thương mại của thời kỳ hội nhập./.
Huy Long
Điều 12 Pháp lệnh TTTM 2003: 1. Công dân Việt Nam có đủ các điều kiện sau đây có thể làm TTV: a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; b) Có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực vô tư, khách quan; c) Có bằng đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ năm năm trở lên. 2. Người đang bị quản chế hành chính, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xoá án tích không được làm TTV. 3. Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên, công chức đang công tác tại TAND, VKSND, cơ quan điều tra, cơ quan THA không được làm TTV. |