Trong thời gian vừa qua, trước diễn biến phức tạp của tình hình cháy nổ trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngày 21/9/2021, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 213/KH-UBND về tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025, qua đó, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhân dân, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác PCCC&CNCH góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu số vụ cháy to, cháy lớn cũng như thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra. Theo số liệu thống kê cho thấy, tình hình cháy nổ diễn biến ngày càng phức tạp, từ năm 2022 đến nay xảy ra 3.050 vụ cháy và 04 vụ nổ; gây thiệt hại về người: 18 người chết và 04 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 85.578.697.000 đồng và đang tiếp tục thống kê. Địa bàn xảy ra cháy tập trung nhiều ở các quận nội thành (chiếm hơn 63%
trên tổng số vụ). Loại hình cơ sở xảy ra cháy chủ yếu ở nhà ở đơn lẻ, nhà dân kết hợp sản xuất, kinh doanh (chiếm hơn 50%). Các nguyên nhân gây cháy liên quan đến hệ thống, thiết bị điện vẫn chiếm tỷ lệ cao (chiếm hơn 70%). Do vậy, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy chữa cháy được Thành phố Hà Nội hết sức quan tâm.
Thành phố luôn xác định công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng cháy chữa cháy (PCCC) & cứu nạn, cứu hộ (CNCH) cũng như công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC&CNCH đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện công tác PCCC. Thành phố đã chỉ đạo lực lượng PCCC và CNCH thường xuyên nghiên cứu đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức, với nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả theo phương châm “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng”. Cùng với đó, UBND Thành phố đã ban hành nhiều Kế hoạch, văn bản chỉ đạo các cấp các ngành, chính quyền địa phương để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiến thức về PCCC và CNCH.
Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội tăng cường các hình thức truyền thống như tổ chức các lớp tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên loa phát thanh, điểm giao thông công cộng và nỗ lực chỉ đạo lực lượng PCCC và CNCH Thủ đô thường xuyên nghiên cứu đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức, với nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả theo phương châm “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng”. Đặc biệt, nội dung tuyên truyền, khuyến cáo, cảnh báo an toàn, hướng dẫn về kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm về PCCC đã được mã hóa thành QR code để người dân tiện truy cập, tiếp cận; xây dựng các video clip tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan, sinh động để phát sóng trên các đài truyền hình, các nền tảng xã hội được đông đảo người dân quan tâm và phối hợp tuyên truyền.
Để đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác PCCC&CNCH, trong thời gian qua, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều Kế hoạch, văn bản chỉ đạo các cấp các ngành, chính quyền địa phương để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiến thức về PCCC và CNCH, điển hình. Đồng thời, UBND thành phố chỉ đạo xây dựng các nội dung tuyên truyền PCCC&CNCH sâu, rộng tới các tầng lớp nhân dân theo từng chuyên đề như tin, bài, phóng sự, biên soạn, phát hành pano áp phích tuyên truyền…Bên cạnh đó, thành phố đã chỉ đạo công an thành phố chủ động phối hợp với các Sở, ngành cơ quan báo chí tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới mọi hình thức.
Công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC&CNCH đem lại hiệu quả của công tác này. Trong thời gian qua, UBND Thành phố đã quyết liệt chỉ đạo xây dựng, củng cố, thành lập các Đội dân phòng, Đội PCCC cơ sở, chuyên ngành cơ bản đảm bảo về chất lượng, đầy đủ về số lượng, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC, CNCH theo quy định. Đã tổ chức tuyên truyền, vận động 100% hộ gia đình mở lối thoát nạn thứ 2, đến nay đạt 98,7 % thực hiện mở lối thoát nạn thứ 2. Tuyên truyền, vận động 100% hộ gia đình trang bị bình chữa cháy, trong đó đạt 93,5% đã tự trang bị bình chữa cháy xách tay. Cùng với đó, Thành phố thường xuyên vận động các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố tình nguyện tham gia công tác PCCC.
Trong thời gian tới, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm truyền thông chính sách, tuyên truyền, phố biến các quy định của pháp luật về PCCC đến người dân như tiếp tục bám sát, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các Chỉ thị, Nghị quyết của Thành ủy, HĐND Thành phố, UBND Thành phố; Kế hoạch chuyên đề, chuyên sâu trong công tác PCCC và CNCH; trọng tâm là: Luật PCCC và CNCH số 55/2024/QH15 ngày 29/11/2024; Nghị định số 105/2025/NĐ-CP ngày 15/5/2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và CNCH; Nghị định số 106/2025/NĐ-CP ngày 15/5/2025 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH…
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH; thường xuyên đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp, đối tượng tuyên truyền, phổ biến kiến thức kỹ năng về PCCC và CNCH; xây dựng những khái niệm đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp cận để đưa công tác PCCC và CNCH đến với từng nhà, từng cơ sở, từng khu dân cư, từng khu phố; trong đó đặc biệt coi trọng việc tuyên truyền, vận động 100% hộ gia đình trang bị, lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy sớm, bình chữa cháy, mở lối thoát hiểm, thoát nạn thứ hai, trang bị các dụng cụ, phương tiện phục vụ thoát nạn (mặt nạ phòng độc, thang dây…) tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, bứt phá trong công tác này; kiên trì, bền bỉ vận động, tuyên truyền người dân không sản xuất kinh doanh, làm việc và sinh sống tại các cơ sở, khu nhà trọ, nhà nhiều căn hộ không đảm bảo an toàn về PCCC; khẩn trương lồng ghép việc phổ biến, học tập kiến thức, kỹ năng về PCCC vào Chương trình học tập, hoạt động ngoại khóa của các nhà trường và cơ sở giáo dục phù hợp với từng ngành học, cấp học…
Bên cạnh đó, tăng cường việc tổ chức tập huấn nghiệp vụ PCCC&CNCH tại các khu dân cư, tổ dân phố và tại các cơ sở trọng điểm có nguy hiểm cháy, nổ cao. Tiếp tục tham mưu, đề nghị xây dựng, củng cố, đầu tư trang thiết bị, tổ chức huấn luyện và duy trì hoạt động, nâng cao hiệu quả của lực lượng tại chỗ (lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành); xác định mọi hoạt động PCCC trước hết phải được giải quyết và thực hiện bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ; chủ động xây dựng, phát triển mạnh lực lượng lực lượng PCCC tình nguyện tại các thôn, xóm, tổ dân phố; duy trì và nhân rộng các mô hình về PCCC và CNCH… để kịp thời xử lý hiệu quả ngay từ ban đầu các sự cố cháy, nổ xảy ra.
Đặc biệt, nghiên cứu ứng dụng các sản phẩm công nghệ mới vào công tác PCCC và CNCH (đặc biệt là ứng dụng công nghệ AI). Đẩy mạnh tham mưu đề xuất các cấp, các ngành ưu tiên bố trí nguồn kinh phí bảo đảm cho công tác PCCC và CNCH trong dự toán ngân sách ngắn hạn, trung hạn và hằng năm; quan tâm hỗ trợ đầu tư kinh phí cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH để xây dựng, cải tạo và sửa chữa trụ sở làm việc, trang bị, bảo dưỡng, sửa chữa, hiện đại hóa phương tiện PCCC và CNCH nhằm đáp ứng khả năng chữa cháy và CNCH theo hướng phù hợp với đặc điểm của Thủ đô.
Thanh Nga - Văn phòng Cục
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý