Kết quả triển khai chiến lược phát triển và đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh An Giang

Thực hiện Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý (TGPL) ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, và Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 – 2025, tỉnh An Giang đã ban hành các kế hoạch triển khai đồng bộ, góp phần đưa công tác TGPL ngày càng đi vào chiều sâu, phát huy hiệu quả thiết thực.

Tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả

Uỷ ban nhân dân tỉnh tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch số 39/KH-UBND năm 2012 và Kế hoạch số 199/KH-UBND năm 2016 để triển khai Chiến lược và Đề án trên địa bàn. Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp đã cụ thể hóa bằng các kế hoạch triển khai, phân công rõ trách nhiệm, phương thức phối hợp, từ đó từng bước hoàn thiện mạng lưới TGPL, nâng cao chất lượng nhân lực và mở rộng phạm vi tiếp cận dịch vụ pháp lý cho người dân.

Tinh gọn bộ máy, đảm bảo hiệu quả hoạt động

Từ năm 2011 đến nay, tổ chức bộ máy TGPL trên địa bàn tỉnh được rà soát, tinh gọn theo hướng hiệu quả. Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh hiện có 12 biên chế và 01 hợp đồng lao động theo quy định. Từ ba chi nhánh ban đầu, đến năm 2024 tỉnh đã thực hiện giải thể toàn bộ chi nhánh và tập trung nguồn lực tại Trung tâm. Việc này góp phần tinh giản biên chế, tiết kiệm chi phí, đồng thời đảm bảo chất lượng TGPL thông qua đội ngũ chuyên nghiệp, ổn định.

Kết quả thực hiện vụ việc TGPL đạt hiệu quả cao

Trong giai đoạn 2011 - 2024, tỉnh An Giang đã thực hiện hơn 16.000 vụ việc TGPL, trong đó số lượng vụ việc tham gia tố tụng tăng mạnh từ năm 2018 đến nay. Cụ thể:

·         Giai đoạn 2011 - 2015: 7.332 vụ, việc (trong đó 279 vụ, việc tham gia tố tụng).

·         Giai đoạn 2015 - 2017: 3.849 vụ, việc (285 vụ, việc tham gia tố tụng).

·         Giai đoạn 2018 - 2024: 5642 vụ, việc (2589 vụ, việc tham gia ttố tụng).

Tỷ lệ vụ việc TGPL đạt chất lượng tốt luôn duy trì ở mức 100%, không phát sinh khiếu nại về tác phong, nghiệp vụ của người thực hiện TGPL. Tỷ lệ trợ giúp viên pháp lý đạt chỉ tiêu hàng năm đều từ 78% trở lên, nhiều năm đạt trên 99%.
 

Trợ giúp viên pháp lý tham gia phiên tòa

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực TGPL

Tính đến nay, đội ngũ người thực hiện TGPL tại An Giang gồm 10 Trợ giúp viên pháp lý, 25 luật sư ký hợp đồng và 13 cộng tác viên. Từ năm 2011 đến nay, có 1.246 lượt người được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, đảm bảo 100% người thực hiện TGPL được đào tạo đầy đủ. Bên cạnh việc tham dự tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, đội ngũ viên chức của Trung tâm cũng chủ động trau dồi chuyên môn nghiệp vụ thông qua việc nghiên cứu, văn bản, tài liệu tham khảo.

Truyền thông, phổ biến pháp luật về TGPL

Công tác truyền thông về TGPL được đẩy mạnh, lồng ghép hiệu quả với các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở. Từ năm 2011 đến 2024 toàn tỉnh đã tổ chức hơn 540 cuộc truyền thông, thu hút hơn 16.000 lượt người tham gia; cấp phát hàng chục nghìn tài liệu pháp luật, lắp đặt bảng thông tin, hộp tin TGPL tại các cơ quan nhà nước, trại giam, trụ sở xã, phường…

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động TGPL

Việc ứng dụng phần mềm quản lý vụ việc TGPL đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác quản lý hồ sơ, chia sẻ thông tin, tiết kiệm thời gian xử lý. Mỗi Trợ giúp viên có thể tra cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các vụ việc đã thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn.

Huy động xã hội tham gia công tác TGPL

Cho đến nay chưa có tổ chức hành nghề luật sư ký hợp đồng với Sở Tư pháp. Hiện nay, có 25 luật sư ký hợp đồng với Trung tâm TGPL đã thực hiện 92 vụ việc TGPL và 13 cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

Đánh giá và kiến nghị

Qua quá trình triển khai Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý, Chiến lược phát triển TGPL, Luật TGPL công tác TGPL tại tỉnh An Giang đã phát huy rõ vai trò là điểm tựa pháp lý vững chắc cho người nghèo, người yếu thế và các nhóm đối tượng được pháp luật bảo vệ. Qua đó, góp phần giữ gìn ổn định xã hội, nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc về tổ chức nhân sự và quy định pháp luật. Do đó, tỉnh An Giang kiến nghị:

Thứ nhất, Bộ Tư pháp nghiên cứu sửa đổi Luật TGPL năm 2017 theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho Trợ giúp viên pháp lý khi chuyển sang hành nghề luật sư.

Thứ hai, kiến nghị sửa đổi Nghị định số 144/2017/NĐ-CP theo hướng không bắt buộc Phó Giám đốc Trung tâm TGPL phải là trợ giúp viên pháp lý, nhằm tháo gỡ khó khăn về công tác cán bộ tại địa phương.

Trong thời gian tới, tỉnh An Giang sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn lực, nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL và mở rộng mạng lưới tiếp cận TGPL đến với các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả.

Tuyết Minh
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý